Cho ngày Tết thêm đủ đầy

Chủ Nhật, 07/02/2021, 17:55 [GMT+7]
In bài này
.

Tương tự như bánh chưng của người miền Bắc, bánh tét là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người dân Nam Bộ. Những ngày giáp Tết, người dân các vùng quê ở BR-VT như Hòa Long, Long Phước, Long Điền, Đất Đỏ… lại rộn ràng gói bánh tét với mong muốn mang những hương vị Tết đủ đầy đến với mọi nhà.

Bà Bùi Thị Kim Hồng (bìa trái) và những người bạn ở khu phố Thanh Long, Thị trấn Đất Đỏ gói bánh tét phục vụ Tết.
Bà Bùi Thị Kim Hồng (bìa trái) và những người bạn ở khu phố Thanh Long, Thị trấn Đất Đỏ gói bánh tét phục vụ Tết.

Chiều 25 tháng Chạp, trong khuôn viên đình chùa Thạnh Mỹ ở khu phố Thanh Long (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ), các bà, các chị quây quần gói bánh tét. Bà Bùi Thị Kim Hồng (khu phố Thanh Long) cho biết, nhóm bà gồm 3 người, thường gói bánh tét để bán vào những ngày rằm, đám giỗ, Tết theo đặt hàng của khách.

Sau nhiều năm làm nghề gói bánh tét, bà Kim Hồng đã rút ra kinh nghiệm và bí quyết riêng để có những đòn bánh tét ngon. Hồi mới nấu, bà để đậu xanh sống rồi gói cùng thịt ba rọi đã ướp. Khi cắt bánh, đậu và nếp bị rời, bánh không ngon. Sau đó, bà mới nghĩ ra cách nấu đậu cho chín rồi quết thật mịn, phi với hành tím cho thơm. Thịt ba rọi thì để nguyên thớ thịt mỏng, dài gần bằng đòn bánh rồi ướp cùng bột nêm, muối, tiêu, bột ngọt, hành lá đâm nhuyễn… Nếp sáp miền Tây được ngâm với nước lá dứa vừa để tạo màu xanh vừa tạo mùi thơm cho đòn bánh thêm hấp dẫn. Bánh được luộc bằng bếp củi, sau 6-7 tiếng thì vớt ra rồi nhúng qua 3 lần nước lạnh cho bánh se lại, sạch mỡ ngoài lá. “Với bí quyết đó, miếng bánh cắt ra trở nên bắt mắt bởi màu xanh của lá chuối, lá dứa, quyện trong mùi thơm của nếp, nhân đậu thịt heo và gia vị…”, bà Hồng giới thiệu.

Miệng trò chuyện, tay bà Hồng thoăn thoắt gói, chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ, gần 30 đòn bánh tét đã hoàn thành. Nồi luộc bắc trên bếp củi ngoài sân đã sẵn sàng. Bà Hồng rải lớp lá chuối ở đáy nồi rồi đặt từng đòn bánh tét vào luộc. Vừa phụ lấy nước vào nồi, bà Dung - thành viên của nhóm - vừa cho biết, mỗi dịp Tết, nhóm bà gói khoảng 200 đòn bánh tét theo đặt hàng của khách là người dân địa phương. Ngoài ra, nhiều khách quen từ TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu cũng đặt mua. Giá bán bánh 40 ngàn đồng/đòn (loại 800gr) hoặc 50 ngàn đồng/đòn (1kg).

Bà Bùi Thị Kim Hồng (thị trấn Đất Đỏ) chuẩn bị luộc bánh tét.
Bà Bùi Thị Kim Hồng (thị trấn Đất Đỏ) chuẩn bị luộc bánh tét.

Gia đình bà Lâm Thị Phấn (tổ 10, ấp Tây, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) cũng nổi tiếng với nghề nấu bánh tét suốt gần 40 năm qua. Những ngày này, bà Phấn đang chuẩn bị nguyên liệu cho khoảng 500 đòn bánh tét đầu vuông với hai vị chay và mặn để nấu vào ngày 27, 28 Tết. Bánh của gia đình bà Phấn có 3 loại trọng lượng: 1kg, 1,5kg và 2kg/đòn với giá bán từ 100-200 ngàn đồng/đòn. Bà Phấn cho hay, để hương vị bánh thơm ngon, phải tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị. Đòn bánh phải tròn, đều, khi cắt ra nhân bánh nằm ngay chính giữa. Gạo nếp là loại ngon, không lẫn gạo tẻ; đậu xanh nấu nhuyễn; thịt ba rọi được ướp gia vị cho ngấm đều trước khi gói.

“Bánh tét tượng trưng cho sự thơm ngon, đủ đầy, bội thu nên món ăn này thường được người dân Nam Bộ đặt trên các mâm cúng ông bà, gia tiên trong những ngày Tết cổ truyền”, bà Phấn cho biết.

Xã Long Tân, thị trấn Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ); thị trấn Long Điền (huyện Long Điền); xã Hòa Long, xã Long Phước (TP. Bà Rịa)… là những địa phương nổi tiếng với nghề nấu bánh tét từ lâu đời. Năm 2009, huyện Đất Đỏ đã lập kỷ lục Việt Nam khi nấu, trưng bày 2009 đòn bánh tét. Trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013, bánh tét Đất Đỏ được chọn làm lễ vật cung tiến Vua Hùng, đại diện cho ẩm thực truyền thống của huyện.

Không chỉ là món ăn dân dã trong làng, ngoài chợ, bánh tét Đất Đỏ, Long Điền, Bà Rịa còn được nhiều nhà hàng, khách sạn đưa vào thực đơn. Ngoài ra, nhờ nổi tiếng thơm ngon nên bánh tét BR-VT còn được người dân các tỉnh như: Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận đặt mua dùng trong ba ngày Tết. Nhiều Việt kiều sau khi về nước ăn Tết cũng đặt mua 100-200 đòn làm quà biếu người thân, bạn bè ở nước ngoài.

Bà Bùi Thị Kim Thủy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đất Đỏ cho hay, trên địa bàn thị trấn có 20 hộ làm nghề nấu bánh tét bán thường xuyên tại chợ. Vào dịp Tết, con số này tăng lên hơn 40 hộ. “Bánh tét là món ăn truyền thống của người dân địa phương. Hội LHPN thị trấn đã vận động chị em giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này, đồng thời phối hợp với các ngành khảo sát để có kế hoạch đưa bánh tét vào phục vụ du lịch”, bà Thủy nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.