Cấp cứu các ca bệnh nặng kịp thời qua Tele-Icu
Từ tháng 9/2020 đến nay, Bệnh viện (BV) Bà Rịa đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ hồi sức cấp cứu trực tuyến (Tele-Icu) nhằm hội chẩn, đưa ra các phác đồ điều trị và hướng dẫn các bác sĩ ở tuyến dưới điều trị người bệnh. Trước mắt, Tele-Icu của BV Bà Rịa đã kết nối với Tele-Icu của Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo.
Các bác sĩ BV Bà Rịa chẩn đoán bệnh trực tuyến cho một trường hợp cấp cứu tại Trung tâm Quân dân Y huyện Côn Đảo. |
Cách đây vài ba tháng, anh N.T. (45 tuổi, huyện Côn Đảo) được người thân đưa vào Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo cấp cứu trong tình trạng chân tay lạnh, bụng căng cứng, người bị choáng, hơi thở nhanh và nông. Nhận định đây là một ca bệnh nặng, ngay lập tức bệnh nhân được chuyển vào hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống Tele-Icu của Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo kết nối với BV Bà Rịa. Có đầy đủ thông tin dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân từ máy thở, monitor, bệnh án điện tử… các bác sĩ của BV Bà Rịa xác định anh N.T. bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng do viêm phúc mạc toàn thể - thủng dạ dày. Bác sĩ của BV Bà Rịa nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị, đồng thời hướng dẫn các bác sĩ Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo cấp cứu cho bệnh nhân. Liên tục trong khoảng 9 giờ đồng hồ, dưới sự hỗ trợ của BV Bà Rịa, các bác sĩ của Trung tâm kết hợp điều trị hồi sức cấp cứu và phẫu thuật khâu lỗ thủng dạ dày, rửa ổ bụng, dẫn lưu dưới gan, đóng bụng… sau đó tiếp tục hồi sức. Đến 23 giờ cùng ngày, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Sau khi có sức khỏe ổn định, anh N.T. được chuyển về BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng để tiếp tục chăm sóc và điều trị.
Không chỉ có trường hợp của anh N.T., sau 5 tháng đưa vào sử dụng, thông qua Tele-Icu, các bác sĩ của BV Bà Rịa đã hỗ trợ Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo đưa ra các phương án xử lý, điều trị ban đầu tại chỗ cho 10 ca bệnh nặng. Trong đó, có một số trường hợp mắc các bệnh về nhiễm trùng huyết, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, hôn mê… Đây là những ca bệnh nặng, nếu không được cấp cứu, điều trị trong “thời điểm vàng” thì khả năng tử vong rất cao.
Bác sĩ Cao Văn Thái, Trưởng Khoa Nội, Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo cho biết, đơn vị vừa là cơ sở y tế tuyến đầu vừa là tuyến cuối thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe cho người dân huyện đảo. Trung tâm có vị trí xa với đất liền, còn nhiều hạn chế về nhân lực và cơ sở vật chất. Trước đây, những ca bệnh nặng, cấp bách thì trung tâm phải chuyển lên tuyến trên bằng tàu biển hoặc máy bay, nên rất vất vả và tốn kém, mất nhiều thời gian cho người dân, nhiều khi còn gặp rủi ro cho bệnh nhân. Với việc trang bị hệ thống Tele-Icu đã giúp đơn vị kết nối với bệnh viện tuyến trên, mở ra cơ hội cứu chữa giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm, đủ điều kiện về sức khỏe để chuyển lên bệnh viện tuyến trên tiếp tục chữa trị. “Thông qua Tele-Icu, đội ngũ nhân viên y tế của Trung tâm còn được các bác sĩ của BV Bà Rịa chuyển giao các kỹ thuật khám, điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Thái nói thêm.
Tới đây, BV Bà Rịa sẽ kết nối với các trung tâm y tế tuyến dưới trên địa bàn tỉnh thông qua Tele-Icu để hội chẩn, hỗ trợ cấp cứu, chữa trị. Đặc biệt, BV Bà Rịa cũng sẽ kết nối với các BV tuyến trên như Chợ Rẫy, ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh, một số trung tâm chuyên sâu… giúp xử trí những trường hợp nặng ngay tại đơn vị. Việc đưa hệ thống Tele-Icu vào sử dụng là một trong những giải pháp ứng dụng CNTT vào chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhằm hạn chế những rào cản về trình độ chuyên môn, khoảng cách địa lý, thiết bị kỹ thuật… giữa đơn vị y tế tuyến trên với tuyến dưới. |
Bác sĩ Trần Thanh Đạt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (BV Bà Rịa) cho hay, hiện tại toàn tỉnh chỉ có BV Bà Rịa và Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo được trang bị hệ thống Tele-Icu. Do đó, thời gian qua, các bác sĩ của BV Bà Rịa đã hội chẩn trực tuyến với Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo. Thông qua hệ thống Tele-Icu, bác sĩ BV tuyến trên thấy được hình ảnh, các sinh hiệu của người bệnh về mạch, huyết áp… để hỗ trợ cho đơn vị y tế của huyện Côn Đảo siêu âm tim, siêu âm mạch máu, cài máy thở, đặt xét nghiệm điện giải đồ… giúp đơn vị y tế cấp dưới giải quyết cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân ổn định, bác sĩ có thể phẫu thuật tại chỗ hoặc chuyển viện cho bệnh nhân an toàn.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG