Nặng chân mỗi khi chiều về, dấu hiệu của suy tĩnh mạch
Cảm giác nặng chân, bó chặt ở bắp chăn, tê mỏi, đặc biệt khi chiều về là triệu chứng thường gặp ở những người bị suy tĩnh mạch.
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh về suy tĩnh mạch chân và các biến chứng. |
Suy tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch không thể khép kín để đẩy hoàn toàn máu về tim, một lượng máu từ tĩnh mạch chảy ngược xuống dưới chân theo chiều trọng lực và ứ lại. Chính dòng trào ngược này làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch dưới, đồng thời kéo dãn thành tĩnh mạch làm nặng thêm tình trạng máu chảy ngược dòng. Hậu quả là dẫn tới tình trạng ứ máu ở chi dưới gây phù, nặng chân, vọp bẻ, tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo dưới da, viêm, loét da do loạn dưỡng. Đáng sợ nhất là nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu gây thuyên tắc phổi, có thể dẫn tới tử vong. Suy tĩnh mạch rất thường gặp ở chân, xảy ra ở khoảng 10-35% người trưởng thành.
NỮ GIỚI THƯỜNG BỊ SUY TĨNH MẠCH HƠN NAM
Phụ nữ có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao hơn nam giới do hormone progesterone cao hơn. Mất cân bằng progesterone có thể dẫn đến tổn thương các van nhỏ bên trong tĩnh mạch, khiến chúng không còn làm tốt nhiệm vụ giữ cho máu chảy theo một hướng về tim. Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện rằng các tĩnh mạch lớn trong cơ thể, tĩnh mạch chân thường nhạy cảm với progesterone hơn là với estrogen, một nội tiết sinh dục nữ khác.
Bản thân việc mang thai cũng làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch ở phụ nữ. Khi thai nhi phát triển, cơ thể người mẹ tăng lưu lượng máu đi khắp cơ thể, dẫn đến các tĩnh mạch giãn ra và các van hoạt động kém hơn. Đáng lưu ý, sự lớn lên của thai nhi trong tử cung gây áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, đây là tĩnh mạch đưa máu từ chi dưới trở về tim. May mắn thay, chứng giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện thai kỳ thường biến mất trong vòng 3 đến 6 tháng sau sinh. Khả năng hồi phục sẽ kém hơn nếu phụ nữ mang thai nhiều lần.
Sự suy giảm estrogen và progesterone ở giai đoạn mãn kinh có thể làm suy yếu tĩnh mạch. Phụ nữ giai đoạn mãn kinh cần lưu ý rằng các liệu pháp hormone thay thế vốn thường được sử dụng để làm giảm tình trạng bốc hỏa và loãng xương cũng có thể làm tăng nặng thêm tình trạng suy tĩnh mạch. Do đó, cần tham vấn kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng. Thói quen đi giày cao gót, ngồi bắt chéo chân cũng khiến phụ nữ tăng nguy cơ suy tĩnh mạch.
Ngoài vấn đề giới tính, người thừa cân, béo phì, người làm công việc đòi hỏi phải ngồi hay đứng nhiều như nhân viên văn phòng, tiếp tân, bảo vệ, bác sĩ phẫu thuật và người ít vận động là những người có nguy cơ cao bị suy tĩnh mạch. Bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa do lối sống ít vận động.
3 NHÓM TRIỆU CHỨNG SUY TĨNH MẠCH CHÂN
ThS.BS Lý Minh Tùng, khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân cho biết, hầu hết người bệnh suy giãn tĩnh mạch thường chỉ đến bệnh viện khám khi gặp phải các cản trở trong sinh hoạt, thường với các nhóm triệu chứng chính sau:
Ứ trệ máu hạ chi: Cảm giác bó chặt ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân. Có khi có cảm giác tê, như có kiến bò vùng bàn chân. Vọp bẻ (chuột rút) ở bắp chân, thường xảy ra về đêm. Sưng phù xung quanh hai mắt cá.
Các triệu chứng thường nặng lên về chiều tối sau một ngày làm việc, hoặc sau khi đứng lâu; triệu chứng thuyên giảm vào buổi sáng khi ngủ dậy, hoặc sau khi nghỉ ngơi, kê cao chân.
Dãn mao mạch và dãn các tĩnh mạch nông ở chân: Dãn thân tĩnh mạch chính. Dãn tĩnh mạch nhỏ dạng mạng nhện. Dãn tĩnh mạch nhỏ dạng lưới.
Loét da, da khó lành do loạn dưỡng: Người bệnh thấy vùng da ở chân thay đổi sắc tố, da dễ bị chàm, loét da khó lành do tình trạng ứ máu lâu ngày gây nên rối loạn vận chuyển ôxy và dinh dưỡng cho các mô.
Các biến chứng thường gặp:
- Viêm tắc tĩnh mạch.
- Huyết khối tĩnh mạch: Đây là biến chứng rất nguy hiểm vì huyết khối có thể theo dòng máu về tim và huyết khối di chuyển lên phổi gây thuyên tắc phổi.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Cũng theo ThS.BS Lý Minh Tùng, tùy vào tình trạng suy giãn tĩnh mạch mà bác sĩ có hướng điều trị khác nhau cho người bệnh. Chẳng hạn:
Điều trị nội khoa: Thay đổi thói quen sinh hoạt và công việc hằng ngày; Dùng thuốc...; Mang vớ áp lực: đeo liên tục ban ngày giúp khép các van tĩnh mạch bị hở, nhờ vậy làm hạn chế máu ứ trệ chảy ngược, giảm phù nề; Chích xơ: áp dụng cho các trường hợp dãn tĩnh mạch nhỏ dạng lưới và khu trú.
Phẫu thuật: Bác sĩ thực hiện phẫu thuật để loại bỏ các búi tĩnh mạch đã bị dãn, lột tĩnh mạch, sửa van, tạo hình tĩnh mạch qua da...
Can thiệp nội mạch: Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị để luồn vào lòng mạch máu, sử dụng năng lượng để gây đông tắc vùng tĩnh mạch bị suy giãn bằng sóng cao tần (RFA), laser hay sử dụng keo dán để làm xơ hóa, teo tĩnh mạch suy giãn và cuối cùng theo thời gian tĩnh mạch bị xơ sẽ biến mất: Đây là kỹ thuật mới thay cho phẫu thuật lột tĩnh mạch kinh điển trước đây trong điều trị suy giãn tĩnh mạch. Phương pháp này ít gây đau, người bệnh mau hồi phục và đảm bảo thẩm mỹ. Đây là lựa chọn điều trị cho các trường hợp suy tĩnh mạch xuyên.
LỰA CHỌN ĐIỀU TRỊ
Suy tĩnh mạch nông: Loại bỏ dòng chảy trào ngược bằng phẫu thuật (nếu tĩnh mạch dãn quá to) hoặc can thiệp nội tĩnh mạch (RFA, laser, keo dán), chích xơ tĩnh mạch.
Suy tĩnh mạch sâu: Điều trị nội khoa, phẫu thuật sửa van hoặc sửa thành tĩnh mạch.
Suy tĩnh mạch xuyên: Loại bỏ các nhánh xuyên bệnh lý bằng phẫu thuật (có thể thực hiện nội soi) hoặc can thiệp nội tĩnh mạch bằng RFA, laser.
Vận động hợp lý là cách phòng suy tĩnh mạch: Để hạn chế nguy cơ bị suy tĩnh mạch chân, mọi người cần tránh để dư cân, tránh mặc quần áo bó vùng chân và hông, tránh đứng lâu, ngồi nhiều, tránh động tác bắt chéo chân tạo nhiều áp lực lên đùi, xương chậu, gây cản trở cho việc lưu thông máu.
Mọi người nên tăng cường thể dục để tăng lưu thông máu. Nếu đã có dấu hiệu suy tĩnh mạch, nên lựa chọn các môn thể thao có động tác nhịp nhàng và nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, hạn chế các môn thể thao có cử động mạnh và chuyển hướng đột ngột, dồn lực lên chân nhiều gây chấn động lên hệ tĩnh mạch như chạy tốc độ, tennis, bóng đá...Buổi tối khi nằm ngủ nên kê cao chân, tạo thuận lợi cho máu về tim, giúp đôi chân thư giãn, tránh dồn ứ máu ở chân.
ĐỐT SÓNG CAO TẦN - LỰA CHỌN TỐI ƯU TRONG ĐIỀU TRỊ SUY TĨNH MẠCH
Nhiệt lượng từ sóng cao tần làm co thắt tĩnh mạch và làm cho thành phần collagen của thành tĩnh mạch co vào, cuối cùng dẫn đến tắc mạch và hết dòng máu trào ngược. Điều trị sóng cao tần (Radio Frequency Ablation – RFA) được chính thức sử dụng trong điều trị suy tĩnh mạch tại các nước châu Âu từ 1998 và tại Hoa Kỳ từ 1999. Cho đến nay, kỹ thuật này đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Phương pháp này giúp cải thiện triệu chứng ở khoảng hơn 90% trường hợp được can thiệp.
Điều trị hiệu quả cho người bệnh: Suy tĩnh mạch nông. Có triệu chứng dãn tĩnh mạch hoặc điều trị nội khoa trên 1 tháng nhưng không giảm. Đường kính tĩnh mạch hiển dưới 18mm.
Ưu điểm: Nhẹ nhàng, không đau (chỉ cần gây tê tại chỗ). Thẩm mỹ vì không có sẹo mổ. An toàn. Hiệu quả. Có thể về trong ngày sau thủ thuật. Thời gian phục hồi nhanh.
Bác sĩ thăm khám một trưởng hợp bệnh lý suy tĩnh mạch. |
TRẦN NHUNG