Vai trò của cha mẹ trong việc hình thành sức khỏe tâm lý của trẻ
Những gì không tốt, không vui mà trẻ phải trải qua trong thời thơ ấu sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tâm lý sau này trong cuộc đời. Đó là một lời nhắc nhở cho mỗi bậc cha mẹ chúng ta rằng cùng với việc quản lý, quan tâm đến sức khỏe tâm lý của chính mình, chúng ta cũng rất cần quan tâm đến tình trạng tinh thần và cảm xúc của con cái chúng ta, vì điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của chúng.
Cách nuôi dạy con, hay công thức nuôi dạy con tốt hay khuôn mẫu chuẩn mực không được dạy ở bất cứ đâu. Hầu hết, chúng ta học cách làm cha mẹ từ việc quan sát cha mẹ chúng ta nuôi dạy chính chúng ta và trong vô thức người lớn thường sử dụng các phương pháp nuôi dạy con cái của cha mẹ mình để áp dụng cho chính con của mình. Có cái tốt, có cái chưa tốt và chúng ta không thể nhận ra được.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ luôn có cơ hội để làm tốt hơn, điều chỉnh hành vi của mình cũng như dùng những cách tích cực, phù hợp với tư cách là cha mẹ để chăm sóc nuôi dạy con cái tốt hơn. Chúng ta không cần phải sử dụng cách thức mà mọi người cho rằng đó là “chuẩn mực”, là “khuôn mẫu”, là “công thức” nuôi dạy con tốt hoặc là cách tốt để giải quyết các tình huống xảy ra với trẻ khác để áp dụng cho cách nuôi dạy con của mình. Bởi mỗi một đứa trẻ là một sự riêng biệt, độc nhất không trùng lặp với bất cứ một ai khác trên đời, nên cách thức tốt và phù hợp với trẻ này không hẳn là phù hợp và tốt với trẻ khác.
Vậy các bậc cha mẹ chúng ta phải làm gì?
Đầu tiên, chúng ta hãy bắt đầu với sự tự nhận thức. Tìm hiểu thêm về những gì bạn đang làm đúng và những gì bạn có thể làm tốt hơn cho con. Hành trình giúp con bạn bắt đầu bằng việc nhìn lại những gì đã xảy ra, những gì ảnh hưởng đến cách nuôi dạy con của bạn, những gì khiến bạn suy nghĩ và xây dựng nên cách nuôi dạy con hiện tại của mình.
Thứ hai, tự bản thân tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng bất thường tâm lý khi trẻ cảm thấy không được quan tâm về mặt tinh thần. Hãy để ý những dấu hiệu có thể nhận biết như trẻ bỗng trở nên hung hăng, tự ti hoặc hạn chế, né tránh giao tiếp...
Thứ ba, tìm sự trợ giúp phù hợp. Khi con trẻ có những biểu hiện khác thường về mặt tâm lý khi không được quan tâm đúng mức về mặt tinh thần, tình cảm thì việc tự tìm hiểu và giáo dục con có thể khó thực hiện một mình và chúng ta nên đến gặp chuyên gia tư vấn nếu cần.
Các bậc cha mẹ chúng ta thường cố gắng làm việc chăm chỉ để có thể mang đến cho con mình điều kiện sống và học tập tốt nhất, đó có thể là cho con đi du học hay cho con theo học tại các trường học quốc tế, hay đăng ký cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa khác nhau. Cho con những phương tiện hỗ trợ học tập tốt nhất có thể. Nhưng điều thường bị bỏ qua là sức khỏe tinh thần và cảm xúc của con mình. Hãy nhìn lại, quan tâm điều đó cho con để trẻ có cuộc sống thật sự vui tươi mạnh khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chuyên gia tâm lý LAN PHƯƠNG