Giúp con cân bằng cảm xúc

Thứ Bảy, 05/12/2020, 07:36 [GMT+7]
In bài này
.

Bỗng nhiên con trẻ có những hành động phá phách, trở nên khó chịu, ném đồ vật vào người khác hoặc gây sự với anh em mình. Những lúc như vậy, cha mẹ có nên khoan dung hơn? Hay nên nghiêm khắc dùng những hình phạt để răn đe trẻ? Cách tốt nhất để cha mẹ ứng phó với những hành vi tiêu cực bất ngờ của trẻ là gì?

Chuyên gia tâm lý Lan Phương “trao đổi” với trẻ tại Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói phường Long Tâm TP.Bà Rịa.
Chuyên gia tâm lý Lan Phương “trao đổi” với trẻ tại Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói phường Long Tâm TP.Bà Rịa.

Đầu tiên, hãy tìm hiểu tại sao con bạn bỗng trở nên phá phách hoặc cư xử khác thường như vậy?

Trẻ em không phải lo lắng về việc phải đi làm, lo xử lý các công việc xã hội, chăm sóc gia đình. Thay vào đó, chúng có thể dành thời gian xây dựng thế giới của riêng mình. Cuộc sống của trẻ nhỏ thường xoay quanh việc gặp gỡ bạn bè và khám phá thế giới chung quanh, vì vậy việc phải đối mặt với một tình huống khó khăn, bất ngờ hoặc không giống với sinh hoạt hằng ngày khiến trẻ lo lắng nhiều hơn. Trẻ em thường không biết cách đối mặt với cảm giác khó chịu hoặc không vui của mình, vì vậy chúng thể hiện cảm xúc bằng cách trở nên “dễ xúc động” và có những hành vi khác thường.

Đơn giản như việc khi người lớn chỉ cho chúng cách ăn những thứ trẻ chưa ăn bao giờ ăn hoặc chưa quen; hay cách mặc quần áo, cột dây giày... Lúc này trẻ thường đáp trả bằng thái độ hoặc hành vi bất thường. Lúc này, cha mẹ cần hiểu rằng, không phải là trẻ hư mà trẻ đang cảm thấy bất ổn. Hãy dùng sự cảm thông để đáp lại những hành động sai của trẻ. Sau đó nhắc về kỷ luật mà trẻ cần tuân theo và sự mong đợi của cha mẹ đối với trẻ.

Ví dụ nếu trẻ ném vỡ đồ vật hoặc đá đấm một vật gì đó, bạn nên làm gì? Đầu tiên, hãy hít thở thật sâu (hoặc một hai ba hơi) để không mất bình tĩnh. Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng con bạn không cố ý hoặc không mong muốn làm cha mẹ tức giận. Tiếp theo là làm rõ cảm xúc lúc đó của trẻ. Hãy nói: “Trông con có vẻ đang tức giận! Con đang có gì trông khó xử lắm đúng không?” Có thể ôm trẻ vào lòng hoặc cho trẻ uống một ly nước. Chúng ta cảm thấy lạ khi đáp lại một hành động không đúng của trẻ bằng sự cảm thông và hỗ trợ, nhưng trẻ em hiện nay cần sự yêu thương và lòng cảm thông hơn bao giờ hết.

Hãy nhớ cách bạn chăm sóc con mình khi chúng bị ốm. Bạn có thể kiên nhẫn và khoan dung hơn nhiều với những lời than vãn và các hành vi khó chịu của trẻ bởi vì bạn biết rằng trẻ không được khỏe, trẻ đang ốm. Và trong trường hợp này cũng như vậy. Khi trẻ em hành động trong thời điểm khủng hoảng, về cơ bản chúng đang nói: “Con đang thực sự cần giúp đỡ ngay bây giờ. Con đang gặp khó khăn”.

Hãy làm những điều này sau khi trẻ và bạn đã bình tĩnh lại, hãy giải thích lý do tại sao hành vi của trẻ không được chấp nhận. Bạn có thể nói, “Cách con nói làm cha/mẹ rất buồn” hoặc “Con nổi giận thì không sao nhưng làm tổn thương anh/em của con thì không đúng”. Hỏi trẻ xem nên con làm gì tiếp theo để khắc phục những điều mình đã làm sai, con nên xin lỗi hay dọn dẹp đống lộn xộn mà con đã làm? Khuyến khích trẻ tìm ra “giải pháp” sẽ giúp trẻ lần sau khi trẻ cảm thấy tức giận hoặc buồn bã. Trẻ có thể hít thở sâu vài hơi hoặc la hét trong phòng riêng? Trẻ có thể yêu cầu người lớn giúp đỡ hay đơn giản là dành cho trẻ một cái ôm nhẹ nhàng.

Không ai trong chúng ta có nhiều thời gian, nhưng nếu có thể ngay bây giờ và bất cứ khi nào bạn có thể hãy dành hai phút vui chơi với con mình, hãy làm điều đó. Trò chuyện với con bạn khi bạn chuẩn bị bữa tối. Tạo ra những bài hát ngộ nghĩnh, những câu chuyện vui để cha mẹ và con cùng bật cười cùng nhau, đọc truyện cùng con trước khi đi ngủ. Hãy chắc chắn trẻ được vui chơi và thỉnh thoảng tham gia cùng trẻ. Chơi giúp trẻ em “xử lý những gì trọng tâm của chúng, những gì khiến chúng căng thẳng và cho phép chúng kiểm soát tình huống và bản thân mình”. Từ đó cho trẻ tìm ra “cách” xử lý tình huống cho chính mình nếu gặp tình huống tương tự làm chúng thấy lo lắng ở những lần sau.

Hãy dành thời gian thư giãn, vui chơi với con bạn khi bạn có thể, như vậy cũng chính là cách mà bạn có thể giúp con mình giải phóng  bớt năng lượng lo lắng theo những cách tích cực.

NGỌC ĐIỂM

;
.