.

Đặt niềm tin sai chỗ

Cập nhật: 16:45, 22/12/2020 (GMT+7)

Trong kinh doanh, chữ tín ở bất cứ thời điểm nào cũng được đề cao. Với một số giao dịch, chữ tín bao hàm cả uy tín của người bán lẫn uy tín của người mua. Nhưng thường khi nói đến chữ tín, là nói cho người bán. Vì xét một cách phổ biến, chữ tín quyết định thành bại của người kinh doanh. Bất tín là mất niềm tin. Thiệt hại của việc đánh mất niềm tin chính là đánh mất khách hàng và nặng nề nhất là bị tẩy chay, dẫn đến phá sản.

Ở thời đại bùng nổ thương mại điện tử, có thể thấy, hầu hết các kênh mua bán online đều xây dựng nền tảng thành công dựa vào chữ tín. Nhiều chuyên gia khẳng định, chữ tín là điểm bắt đầu của kinh doanh online. Nhưng không phải ai cũng lĩnh hội hết điều này khi bắt đầu công việc. Thực tế, đòi hỏi cao nhất và duy nhất đối với uy tín của người bán hàng, là bán đúng chất lượng. 

Chuyện tôi kể ra đây cũng là một kiểu kinh doanh bất tín. Cuối tuần vừa rồi, tôi có đặt hàng một ít thịt bò Mỹ trên mạng. Sở dĩ, tôi phải gom lại vì, ngay hôm mua về, khi mở ra để chế biến thì phát hiện hàng đã hết hạn sử dụng cả tuần trước đó. Rất bức xúc, tôi đã liên lạc với người bán đề nghị trả lại hàng. Vì là khách quen, nên người bán đã đồng ý thu hồi sản phẩm và hứa sẽ giao lại hàng mới, nhưng tôi nhất định không lấy nữa. Vì “một lần mất tin, vạn lần mất tín”.

Trường hợp tôi gặp phải không hiếm từ trước đến nay. Có lần bạn tôi đặt thùng sữa nhập khẩu từ Úc trên một trang mạng. Khi mang về uống, sữa bị vón cục, không còn mùi, vị nhạt. Kiểm tra lại hạn sử dụng, bạn phát hiện chỉ còn 2 ngày là hết hạn. Lo mất an toàn, bạn tôi đành phải bỏ nguyên cả thùng sữa.

Thường thì hàng hết hạn sử dụng hoặc sắp hết hạn sử dụng chủ yếu là thực phẩm, tiêu dùng như bánh kẹo, nước giải khát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Các mặt hàng này chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, tuồn vào trong nước bằng đường “xách tay”. Vì thế không ai có thể chắc chắn được về chất lượng. Và điều đáng nói, hàng hết hạn sử dụng hoặc sắp hết hạn sử dụng không chỉ có đất ở thị trường trực tuyến mà còn được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng lớn, thậm chí cả vỉa hè. Thông thường, với những hàng hết hạn sử dụng hoặc sắp hết hạn sử dụng, các cửa hàng, siêu thị hay tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc mua hàng có quà tặng để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, nhất là dịp năm hết Tết đến.  Bởi, người bán hàng ai cũng muốn thanh lý được số hàng tồn để nhanh chóng thu hồi vốn. Người tiêu dùng thì coi như đây là “cơ hội” mua hàng giá rẻ.

Trên thực tế, việc “thắt lưng buộc bụng” trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện nay là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không vì rẻ mà người tiêu dùng dễ dãi khi mua hàng, mà cần phải tìm hiểu kỹ sản phẩm khi mua, xem kỹ hạn sử dụng. Các bà nội trợ phải luôn là người tiêu dùng thông thái. Bởi nếu chẳng may mua phải hàng hết hạn sử dụng, nhất là đối với mặt hàng ăn uống, nhẹ thì cũng mất mùi, rối loạn tiêu hóa. Đối với các loại mỹ phẩm có thể gây dị ứng... Nguy hiểm hơn là gây ngộ độc, phải nhập viện, ảnh hưởng tới tính mạng.

Và dĩ nhiên, không phải chỉ có người tiêu dùng mới chịu thiệt hại khi mua phải hàng quá hạn sử dụng. Về phía người bán, nếu không biết giữ chữ tín trong kinh doanh cũng sẽ khó mà tồn tại. Đơn cử như trang mạng mà tôi đã đặt thịt bò Mỹ ở trên đã bị “xóa sổ” khỏi danh sách mà trước đây tôi vẫn thường xuyên đặt hàng.

Phan Hà

.
.
.