Dù "nguy ngập" vẫn có cách tháo gỡ
“Thế đấy, anh ta có còn cãi chày, cãi cối nữa không?”, chị Quyên thở dài, sau khi kể cho tôi nghe câu chuyện có tính cách riêng tư. Rằng, những ngày đó, nhiều đồng nghiệp xầm xì anh chồng chị đã “tò tí te” với cô gái tiếp thị bia ở quán nọ. Chị không tin lắm, nhưng lời ra tiếng vào ngày một nhiều khiến chị thêm lo lắng. Hỏi gần, hỏi xa thì người chồng nạt luôn: “Nè, chớ mà có ghen bóng, ghen gió”. Khổ nổi, không “bắt được tay, day tận trán” nên chị đành “quan sát từ xa”, thế nhưng cũng không phát hiện người chồng có biểu hiện gì bất thường.
Minh họa: MINH SƠN |
Lần nọ, chồng chị cho biết là vắng nhà những vài ba ngày. Chị chuẩn bị va li, quần áo, mọi thứ lặt vặt đâu vào đó. Và tất nhiên chị tin là chồng đi công tác xa theo sự phân công của cơ quan.
Thật bất ngờ, ngay hôm sau, cô bạn thân hớt ha hớt hải phóng xe đến nhà và hỏi dồn dập: “Cậu biết chuyện động trời này chưa?”. Quyên ngớ người ra. Cô bạn liền mở cái Ipad truy cập vào một trang Facebook cá nhân. Ở đó, hiện ra rõ ràng ràng nhiều hình ảnh của chồng và cô “tiếp thị bia” rất ư “tình thương mến thương”. “Chỉ tình nhân hoặc vợ chồng mới chụp nhiều kiểu hình tình tứ, âu yếm đến thế này”, chị kết luận. Đến lúc chồng đi “công tác” về đã thấy chình ình trước mắt cái đơn xin ly hôn. Dù anh ta “thanh minh thanh nga” đủ điều, nhưng chị vẫn giữ nguyên ý định ban đầu.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân “dễ xa nhau” nhất, vẫn là trường hợp khi có người thứ ba xen vào. Một phần do bị xúc phạm, không được tôn trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự ái, vì thế, nhiều người quyết tâm làm tới cùng cho “ra khoai, ra môn”. Đến đâu thì đến, chứ không thể chấp nhận sống trong tình cảnh “chồng chung, vợ chạ”. Nếu thế, ở một mình cho nó khỏe cái thân, chẳng việc gì phải mang tiếng bị “cắm sừng”.
Trước tình hình nguy khốn này, quan hệ vợ chồng luôn luôn có nguy cơ dẫn đến đổ vỡ.
Sau khi cắt đứt mối quan hệ ngoài luồng, chồng chị Quyên tự giác thay đổi tính nết, “tu tâm tích đức”, nhất cử nhất động luôn hướng về mái ấm, dành hết tình cảm cho vợ con. Tóm lại, sự phấn đấu tích cực của anh từ ngày này, qua ngày nọ rất xứng đáng được cấp giấy chứng nhận “người chồng gương mẫu”. Ấy thế, Quyên vẫn không tha thứ. Cuối cùng, anh đành đồng ý ký đơn ly hôn, không tranh chấp tài sản, tòa chia sao cũng được. Tuy nhiên, chỉ có một điều kiện là anh đòi sở hữu đôi giày của Quyên. Lúc nghe chồng nói như thế, sau này, Quyên kể lại với tôi là chị thấy tình chồng nghĩa vợ bỗng dưng dạt dào trong tiềm thức. Tình cảm mặn nồng của năm tháng xa xưa ấy, đột ngột quay trở về như mới xảy ra thôi.
Ngày đó mới ra trường, còn nghèo lắm, cả hai làm chung công ty dệt, hằng ngày, phải đạp xe cả chục cây số đến xưởng. Với nhan sắc dễ nhìn nên không ít chàng trai khác cũng ngắm nghé chị. Ngày nọ, nhân sinh nhật, giữa lúc người này tặng hoa hồng, người kia tặng chocolate.v.v… thì anh chàng lại tặng đôi giày. “Thế mới biết, con người này quan tâm và hiểu mình đến chừng nào”, Quyên nhớ lại. Nhờ món quà đó, Quyên dành nhiều tình cảm cho anh. Sau này, dù nhà cao cửa rộng nhưng họ vẫn giữ lại kỷ vật đó. Đã mấy lần dọn nhà, có thể bỏ phéng thứ này thứ kia, nhưng đôi giày thì không, bởi nó là “nhân chứng” của cái thuở tình đẹp như mơ. Quyên nghĩ về năm tháng hàn vi đó và rưng rưng…
Lạ thay, sau đòi hỏi này của chồng, dăm ba ngày sau, “tình hình chiến sự” có chiều hướng giảm nhiệt rõ rệt. Và tất nhiên, nó đã “kết thúc có hậu” vào phút 89 một cách ngoạn mục. Chính kỷ niệm cũ đã khiến Quyên nghĩ lại và thay đổi ý định ly hôn.
Không riêng gì trường hợp trên, tôi còn được nhiều bạn bè chia sẻ sự hiệu nghiệm của loại “thần dược” này.
Vừa rồi, đám bạn bè chúng tôi được Hùng mời chung vui nhân kỷ niệm 10 năm đám cưới của vợ chồng anh. Ngạc nhiên quá, ai cũng biết lâu nay, họ sống trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, tưởng đã “chia lìa lứa đôi” đến nơi. Sau khi sinh toàn con gái, anh từng có kế hoạch lập “phòng nhì”, thậm chí nếu vợ không chấp nhận thì “đường ai nấy đi”. Vậy tại sao “gió lại xoay chiều” đến bất ngờ như thế này?
Anh Hùng tâm sự, chỉ vì thỉnh thoảng lại nghe con gái út tập đánh vần, đọc ê a từng dòng, từng chữ những lá thư mà thuở xưa anh đã gửi cho vợ. “Lúc nghe lại những câu chữ của năm tháng tươi đẹp đó, tớ cảm thấy mình sẽ rất sai nếu bỏ vợ”, Hùng nói khẽ, hạ giọng thấp hơn khi tỉ tê cùng bạn bè.
Qua những chuyện đã chứng kiến, tôi nhận ra rằng, lúc “dầu sôi lửa bỏng” có nguy cơ dẫn đến đổ vỡ, cách tốt nhất mà cũng hiệu nghiệm nhất là hãy nên vận dụng một loại “thần dược” mà cặp vợ chồng nào cũng có. Hãy tìm cách đánh thức kỷ niệm êm đềm, tươi đẹp trong quá khứ của hai người. Chính nó sẽ khiến “nửa kia” động lòng mà suy nghĩ lại. “Còn như cay đắng bây giờ/ Cầm bằng gió thổi hững hờ bên tai”, câu thơ của nhà văn Nguyễn Nhật phản ánh đúng tâm trạng của nhiều người trong tình huống đó. Nhờ thế, sự việc đang trầm trọng mới cơ hội chuyển qua một chiều hướng khác, tốt đẹp hơn.
LÊ MINH QUỐC