.

Triển khai dạy học chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới: "Chìa khóa" nằm ở phương pháp của giáo viên

Cập nhật: 19:56, 01/11/2020 (GMT+7)

Qua 2 tháng triển khai, Bộ SGK lớp 1 mới được lựa chọn giảng dạy tại tất cả các trường TH trên địa bàn tỉnh nhận được đánh giá tích cực, nhưng cũng gây không ít khó khăn. Để bắt nhịp chương trình SGK mới, đòi hỏi các GV phải linh hoạt trong phương pháp giảng dạy.

Tiết học Tiếng Việt của HS lớp 1/5 Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai.
Tiết học Tiếng Việt của HS lớp 1/5 Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai.

LO HS KHÓ BẮT NHỊP

Theo cô Trần Thị Hồng Liên, GV Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) cho biết, nếu như những năm học trước đây, trước khi thực học, HS lớp 1 sẽ có khoảng 1-2 tuần để làm quen với môi trường mới, học nề nếp, tư thế ngồi học, cầm bút, các nét cơ bản thì năm học này, HS phải vào ngay việc học kiến thức. Điều này khiến cho cả HS và GV đều phải rất nỗ lực để bắt nhịp. “Tôi cho rằng, tuần chuẩn bị đối với HS lớp 1 vô cùng quan trọng. Ngành giáo dục nên duy trì tuần học này để tạo đà cho các em bước vào năm học mới nhẹ nhàng hơn”, cô Hồng Liên nói.

Cô Đào Thị Thu Phong, GV chủ nhiệm lớp 1/2, Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) thì nhận định, với môn Tiếng Việt, chương trình cũ có hệ thống âm, tiếng khóa, từ khóa, quy trình giảng dạy cụ thể hơn. Trong khi đó, chương trình, SGK lớp 1 mới lại dạy học theo các chủ điểm, không có quy trình cụ thể mà chỉ giới thiệu âm, vần, cấu tạo tiếng, nhiều bài có số lượng âm, vần nhiều, câu luyện đọc dài. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của chương trình mới, cuối học kỳ 1, HS đã phải đọc thông, viết thạo. Trong khi đó, trước đây, ở cùng thời điểm, các em chỉ cần đọc hiểu ở mức độ đơn giản. 

Đồng quan điểm với cô Thu Phong, cô Nguyễn Thanh Dung, GV chủ nhiệm lớp 1/5, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (TX. Phú Mỹ) phân tích thêm: “Theo chương trình cũ, đến hết tuần 24, HS mới học hết phần âm, vần, trong khi đó, với chương trình mới, HS phải hoàn thành nội dung này sớm hơn khoảng 1 tháng. 

THIẾU GV, TRANG THIẾT BỊ

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đề cập đến những khó khăn về sĩ số lớp, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học chương trình mới. Cô Nguyễn Thị Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, khó khăn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 là tình trạng thiếu GV và sĩ số HS trên lớp cao. Hiện nay, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai thiếu khoảng 7 GV, nhân viên do chưa tuyển dụng được và GV nghỉ thai sản. Một số môn năng khiếu như Mỹ thuật, Giáo dục thể chất không có GV bộ môn nên GV chủ nhiệm phải kiêm nhiệm. Cùng với đó, sĩ số HS lớp 1 khá cao (khoảng 40-42 HS/lớp), ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cô Nguyễn Thị Lệ cũng cho biết thêm, quy định không giao bài tập về nhà cho HS cũng khiến GV khá vất vả vì một số HS tiếp thu chậm chưa thể hoàn thành bài tập ngay trên lớp. 

Cô Nguyễn Thanh Dung, GV chủ nhiệm lớp 1/5, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai cho hay, thời điểm này, các nhà trường chưa được trang bị thiết bị giáo dục lớp 1, màn hình cảm ứng phục vụ cho dạy và học. GV phải tận dụng thiết bị giáo dục cũ là tự làm thêm đồ dùng dạy học nhưng mới chỉ đáp ứng được phần nào yêu cầu giảng dạy. Nếu được trang bị đầy đủ phương tiện, việc giảng dạy sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

HS lớp 1 Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.
HS lớp 1 Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.

ĐÒI HỎI GV PHẢI LINH HOẠT

Theo các nhà trường, để có thể thích ứng tốt chương trình mới, mỗi GV phải linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, ứng dụng đồng thời nhiều kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích cực. Cô Đào Thị Thu Phong, GV Trường TH Bùi Thị Xuân dẫn chứng, mỗi bài học, GV phải có sự chuẩn bị chu đáo, tham khảo nhiều ngữ liệu, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hiện nay, mỗi bộ SGK còn có thêm phần học liệu điện tử, GV có thể tham khảo, vận dụng để tiết học sinh động hơn. Bên cạnh đó, GV có thể linh hoạt tạo ra các hoạt động liên quan tới chủ đề của mỗi bài cho HS thực hiện (đơn cử như làm lồng đèn, bày mâm ngũ quả hay trang trí lớp học…) để các tiết học trở nên sôi nổi, cuốn hút.

Trong năm học đầu tiên thực hiện chương trình, SGK lớp 1 mới, cô Nguyễn Thanh Dung, GV Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, mỗi GV vừa giảng dạy vừa tự tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật những kiến thức mới. Một số nội dung trong SGK, nếu GV nhận thấy chưa phù hợp có thể chủ động điều chỉnh hoặc bàn bạc, tham khảo ý kiến tổ chuyên môn để có giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng bài giảng. Với những bài có nội dung kiến thức tương đối nặng, GV có thể phân phối lại kế hoạch học tập, “san bớt” sang các tiết ôn tập và buổi học thứ 2 trong ngày để giảng dạy, củng cố kiến thức cho HS. 

BÀ TRẦN THỊ NGỌC CHÂU, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT
Các trường phải chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy
Để thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa lớp 1, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giáo dục theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải cho HS. Việc triển khai thực hiện chương trình mới phải được xây dựng theo hướng mở; giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho HS.
Bên cạnh đó, các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực người học. Các nhà trường cần đề ra giải pháp hỗ trợ những HS gặp khó khăn trong học tập bằng nhiều hình thức: phụ đạo, tinh giản một số nội dung… để giúp các em biết đọc, viết, tính toán và có khả năng học tập tiếp ở các lớp trên; tránh trường hợp chạy theo thành tích để HS “ngồi nhầm lớp”.

Cô Thạch Kim Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng cho rằng, song song với các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, GV chủ nhiệm, GV bộ môn luôn luôn gần gũi, tạo điều kiện cho HS chia sẻ cảm nhận bản thân, tự đánh giá, nhận xét kết quả của mình. Ban Giám hiệu nhà trường và GV chủ nhiệm cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của từng em để gia đình đồng hành, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục HS. 

Cô Nguyễn Thị Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai cho biết thêm: “Để triển khai hiệu quả chương trình SGK lớp 1, hiện nay, nhà trường đã tổ chức các tiết dạy dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình, đối tượng HS cụ thể, chứ không lệ thuộc hoàn toàn vào SGK, không bắt buộc HS phải hoàn thành tất cả các nội dung trong SGK. Nhà trường cũng đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn hỗ trợ GV trong giảng dạy”.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

.
.
.