Những chuyến hàng nghĩa tình ra miền Trung
Những ngày qua các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Từng phần quà được ni sư Diệu Hoàng và các phật tử chăm chút trước khi tập kết để chuyển đến đồng bào miền Trung. |
Sáng 30/10, ni sư Diệu Hoàng, Phó Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Long Điền, trụ trì chùa Khánh Hưng (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) cùng các phật tử tất bật chuẩn bị hàng hóa, quần áo để ngày 1/11 chuyển ra các tỉnh miền Trung. Những bộ quần áo được giặt sạch sẽ, phân loại và gấp gọn gàng rồi bỏ vào từng bịch nilon. Gạo, cơm cháy, cá khô và nhu yếu phẩm khác cũng được xếp thành từng phần để tiện việc trao đến bà con. Đây là chuyến đi thứ hai của ni sư Diệu Hoàng đến với đồng bào miền Trung.
Ni sư Diệu Hoàng cho hay, ngày 20/10, ni sư đã tổ chức đoàn từ thiện mang theo 440 phần quà đến các xã Hải Dương (huyện Hải Lăng), Triệu Độ, Triệu Long (huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị để tặng những người dân đang bị cô lập bởi lũ lụt. “Khi đoàn đến, nước lên nhanh, xe không vô được, chúng tôi phải nhờ người dân chuyển quà lên bè và xuồng để trao cho bà con. Nhìn bà con khốn khổ trong hoạn nạn, khó mà cầm lòng. Trở về, tôi tiếp tục phát động đóng góp để hỗ trợ người dân miền Trung”, ni sư cho hay.
Sau 10 ngày, chùa Khánh Hưng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh huy động được 7 tấn gạo, 2.000 thùng mì, hơn 200 thùng sữa, hàng trăm thùng nước và áo ấm… cùng tiền mặt. Nhà chùa chia thành 1.750 phần quà, mỗi phần trị giá từ 600-700 ngàn đồng (quần áo, gạo, mì, sữa, cơm cháy và 200 ngàn đồng tiền mặt) để trao đến người dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Trị, TP. Đà Nẵng.
Đại đức Thích Đức Tín, trụ trì chùa Thiên Bửu vận động hơn 10.000 cuốn vở trắng chuyển đến các em HS vùng lũ. |
Đại đức Thích Đức Tín, trụ trì chùa Thiên Bửu (ấp Phước Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền) cũng đã chuẩn bị hàng hóa, sẵn sàng cho chuyến đi. Chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của bão lũ, từ đầu tháng 10, Đại đức Thích Đức Tín đã kêu gọi các phật tử, mạnh thường quân ủng hộ để “tiếp sức” cho bà con miền Trung. Sau gần 1 tháng, nhà chùa đã nhận được 13 tấn gạo, 1.400 thùng mì, 1,4 tấn đường, 100 triệu đồng tiền mặt và hơn 10.000 cuốn vở… “Ngày 9/11, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ số tiền, hàng hóa trên đến người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Trong chuyến đi này, đoàn sẽ trao tặng 1.300 phần quà, mỗi phần 500 ngàn đồng (gồm nhu yếu phẩm và 200 ngàn đồng tiền mặt). Đồng thời khảo sát một số trường học… để tiếp tục cho chuyến cứu trợ tiếp theo”, Đại đức Thích Đức Tín cho hay.
Tương tự, chiều 31/10, Tịnh xá Ngọc Đức (phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) đã chuyển 2.000 phần quà gồm mùng, mền, quần áo ấm, mì, gạo, bánh, dầu ăn, thuốc, tiền mặt… (mỗi phần trị giá 850 ngàn đồng) đến người dân huyện đảo Lý Sơn và một số địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị. Chuyến hàng trước do Tịnh xá Ngọc Đức vận động gồm 600 phần quà (mỗi phần trị giá 800 ngàn đồng) đã đến với người dân Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. “Đến tận nơi mới thấy hết nỗi khổ của bà con vì bão lũ. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ phần nào với khó khăn của họ”, ni sư Thích Nữ Tiến Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Đức cho hay.
Tình hình mưa bão, lũ lụt ở miền Trung vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều đóng góp nhằm chia sẻ với đồng bào các tỉnh miền Trung trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo đã tích cực đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động được tổng tiền mặt và hàng hóa trị giá hơn 28 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức tôn giáo, DN và các nhà hảo tâm trong tỉnh đã ủng hộ tiền và hàng chục ngàn phần quà, gạo, bánh tét, nước, thuốc men và nhu yếu phẩm khác... với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. “Bên cạnh việc đóng góp tại MTTQ các cấp, nhiều cơ sở tôn giáo còn vận động và trực tiếp tổ chức các chuyến hàng cứu trợ tới người dân miền Trung. Các tổ chức tôn giáo đã phát huy được vai trò đoàn kết, luôn đồng hành với địa phương, MTTQ trong các hoạt động thiện nguyện, vì an sinh xã hội”, ông Nguyễn Kế Toại nhấn mạnh.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH