Tiếp sức phụ nữ dân tộc thiểu số
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo, thời gian qua, Hội LHPN các cấp ở huyện Châu Đức đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, “tiếp sức” cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển kinh tế.
Chị Đào Thị Kim chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Năm 2018, mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò tại thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc) được triển khai thực hiện. Các hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) khó khăn được ưu tiên vay vốn từ nguồn kinh phí của Hội LHPN xã để thực hiện mô hình này. Không chỉ hỗ trợ vay vốn, Hội còn phối hợp với các chi cục khuyến nông, thú y hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản, làm chuồng trại, trồng cỏ… cho hội viên. Đồng thời, Hội còn tổ chức các buổi kiểm tra chuồng trại, con giống tại nhà chị em nhằm có phương án hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn.
Từ sự hỗ trợ nêu trên, nhiều chị em mạnh dạn tham gia mô hình liên kết, đầu tư sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế. Điển hình như trường hợp của chị Đào Thị Kim (tổ 3, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc). Năm 2018, chị tham gia mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò của Hội LHPN xã Đá Bạc, được hỗ trợ nguồn vốn vay không lãi suất 5 triệu đồng, chị mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH và có thêm nguồn vốn ít ỏi gia đình tích góp xây chuồng trại, mua bò sinh sản, trồng 1 sào cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc bài bản và kinh nghiệm từ các hội viên khác, đàn bò của chị phát triển tốt. Đầu tháng 11 vừa qua, chị Kim cùng các thành viên trong tổ liên kết đã bán 3 con bò đực thu về 45 triệu đồng. Mỗi người có 15 triệu đồng vừa để trả vốn vay cho Ngân hàng CSXH và tổ tiết kiệm phụ nữ của xã.
Trước đó, các thành viên trong tổ đã bán 4 con bò, thu về hơn 60 triệu đồng, nguồn thu được từ việc bán bò, các thành viên sử dụng làm vốn mua giống mới để phát triển kinh tế và lo cho các con. “Cuộc sống gia đình trong vài năm trở lại đây đã dễ thở hơn nhiều, tôi không còn phải chật vật vay mượn như trước nữa”, chị Kim bộc bạch. Hiện tổ liên kết chăn nuôi bò của hội viên phụ nữ ĐBDTTS ở thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc đã phát triển đàn lên thành 33 con, tăng 11 con so với thời điểm ban đầu.
Tương tự, xã Bình Giã (huyện Châu Đức) hiện có 41 hội viên phụ nữ dân tộc Châu Ro. Trong đó, phần lớn đang sinh sống tại ấp Kim Bình. Công việc chủ yếu của các chị em là chăn nuôi, làm rẫy và làm thuê. Vì vậy cuộc sống rất khó khăn.
Với những thành công ban đầu của mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò tại thôn Lồ Ồ, tháng 3/2020, được Hội LHPN huyện giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ phụ nữ hợp tác nuôi bò, nuôi dê sinh sản, chị Đào Thị Lạ (dân tộc Châu Ro, Chi hội trưởng Hội LHPN ấp Kim Bình, xã Bình Giã) mạnh dạn vận động các chị em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn cùng tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi bò và dê. 11 thành viên trong tổ là hội viên phụ nữ dân tộc nghèo, tùy theo điều kiện, hội viên được Hội LHPN tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng CSXH, quỹ khởi nghiệp của phụ nữ từ 15-20 triệu đồng/người để đầu tư nuôi bò, dê. Trong quá trình thực hiện mô hình, các chị còn được tập huấn những nội dung như: kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc bò, dê ở các giai đoạn và cách phòng bệnh.
Theo chị Võ Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 8 tổ hợp tác với 97 con bò, 78 con dê, 15 con heo nái. Các tổ hợp tác thu hút 71 thành viên tham gia, tạo việc làm ổn định và mở hướng phát triển kinh tế lâu dài cho chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên. |
Chị Đào Thị Lạ bày tỏ: “Đây là một mô hình thiết thực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện của chị em phụ nữ dân tộc và còn là nơi để học hỏi, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, cùng phát triển kinh tế”.
Bài, ảnh: BÍCH NGỌC