.

Thầy cô có đam mê mới tiếp lửa được cho học trò

Cập nhật: 20:44, 16/11/2020 (GMT+7)

Đam mê là yếu tố tạo nên tất cả cảm hứng giảng dạy và sáng tạo. Đó cũng là nền tảng để tiếp lửa cho học trò…  Cả 3  thầy, cô giáo vừa nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2020 chia sẻ như vậy về động lực để thôi thúc họ tiến những nấc thang mới trong nghề.

Thầy Nguyễn Vũ Thanh Hải, GV dạy Vật lý Trường THCS Trần Đại Nghĩa (TP. Bà Rịa) trong giờ dạy học STEM  ngoài trời áp dụng cho môn Vật lý.
Thầy Nguyễn Vũ Thanh Hải, GV dạy Vật lý Trường THCS Trần Đại Nghĩa (TP. Bà Rịa) trong giờ dạy học STEM ngoài trời áp dụng cho môn Vật lý.
MUỐN TRUYỀN LỬA PHẢI CÓ ĐAM MÊ

Giờ thực hành thí nghiệm Hóa vào sáng thứ Bảy (ngày 14/11), các em HS 10A2 say sưa thao tác dưới sự hướng dẫn của cô Lê Thị Lan Anh (SN 1965, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP. Vũng Tàu). Tiết học cuốn hút, giúp các em vừa khắc sâu lý thuyết, vừa kiểm chứng bằng thực nghiệm. Nhìn các học sinh chăm chú theo dõi kết quả thí nghiệm, cô Lan Anh tâm sự: “Nghề sư phạm đến với tôi như có duyên trời sắp đặt và suốt 31 năm công tác, tôi luôn vui với nghề mình đã chọn. Có lẽ cũng vì đam mê, tôi cố gắng đổi mới phương pháp dạy học, tạo cảm hứng cho học sinh trong từng bài giảng”.

Từ sự cần mẫn cộng với trí tuệ, tâm huyết, cô Lan Anh đã gặt hái nhiều thành công trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi với 17 năm trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Hóa. Cô Lan Anh cũng đã tham gia nghiên cứu 5 đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao về sáng kiến, giải pháp đổi mới phương pháp phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Chia sẻ về nghề, cô Lan Anh nói: “Dạy học cần có phương pháp phù hợp để khích lệ, tạo động lực học tập cho HS. Và điều quan trọng hơn cả, chính là tinh thần trách nhiệm và sự miệt mài lao động”.

Cô Lê Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong giờ dạy Hóa học lớp 10A2.
Cô Lê Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong giờ dạy Hóa học lớp 10A2.

LÒNG YÊU NGHỀ SẼ THÔI THÚC SÁNG TẠO

Thầy Nguyễn Vũ Thanh Hải (SN 1982, GV dạy Vật lý Trường THCS Trần Đại Nghĩa, TP. Bà Rịa) lại truyền cảm hứng cho HS với chuyên đề “Tổ chức hoạt động dạy học STEM ngoài trời áp dụng cho môn Vật lý”. Thầy Hải giải thích: Giáo dục STEM (tên viết tắt tiếng Anh của 4 từ: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là phương pháp giảng dạy nhằm trang bị cho HS những kiến thức, kỹ năng liên quan đến 4 lĩnh vực này theo cách tiếp cận liên môn, giúp người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Đưa các tiết học ra ngoài trời nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu truyền đạt nội dung kiến thức. Hơn thế nữa, với lớp học STEM làm cho việc học vật lý tự nhiên, gắn liền với thực tiễn sinh động. “Tổ chức hoạt động dạy học STEM ngoài trời áp dụng cho môn vật lý” của thầy Hải đã được thực hiện 4 năm liên tục tại trường và nhận được phản hồi rất tích cực từ HS cũng như GV.

Em Nguyễn Như Quỳnh (lớp 8A2, Trường THCS Trần Đại Nghĩa, TP. Bà Rịa) hào hứng kể: “Với bài dạy áp suất vật lý, thầy cho 1 HS lấy dấu 2 bàn chân in trên các tấm giấy trắng kẻ để đo diện tích mặt bị ép ở mỗi bàn chân, sau đó GV yêu cầu HS tính áp suất... Từ một hoạt động trải nghiệm thực tế thú vị, chúng em được dẫn dắt vào các bài học cụ thể. Chúng em rất hào hứng với các tiết học với thầy Hải”. 

Trên thực tế, dạy học STEM ngoài trời chỉ là một trong rất nhiều sáng kiến của thầy Nguyễn Vũ Thanh Hải. Trong suốt quá trình giảng dạy, thầy Hải từng có 7 sáng kiến cấp thành phố; 4 sáng kiến cấp tỉnh. “Tôi nghĩ, với một giáo viên không yêu nghề sẽ khó có đủ động lực để tiến thêm những nấc thang mới của tri thức và phương pháp giảng dạy. Có đam mê thì tự khắc sẽ được thôi thúc làm một điều gì đó mới mẻ”, thầy Hải nói.

DUY TRÌ NIỀM ĐAM MÊ NGHỀ LÀ THÀNH CÔNG CỦA CUỘC SỐNG

Với 25 năm đứng trên bục giảng, cô Dương Thị Mỹ Lệ (SN 1973, giáo viên Trường THCS Quang Trung, huyện Châu Đức) đã từng đạt nhiều thành tích xuất sắc. Nổi bật là cô từng có 8 chuyên đề đạt giải cấp tỉnh về đổi mới phương pháp dạy học tích hợp môn Vật lý và 15 sáng kiến nghiên cứu khoa học được công nhận. Trong suốt quá trình giảng dạy, cô Dương Thị Mỹ Lệ luôn cố gắng đổi mới phương pháp, tìm những cách chuyển tải tri thức hấp dẫn hơn cho học trò. Mới đây nhất, cô Mỹ Lệ đã rất thành công với việc “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning môn Vật lý 9 hiệu quả trên phần mềm Adobe Presenter”. Bài giảng E-Learning môn Vật lý của cô về chủ đề: “Hiện tượng cảm ứng điện từ” và “Sử dụng an toàn và tiết kiệm điện” đã được chọn đưa vào kho bài giảng E-Learning Bộ GD-ĐT. “Với một giáo viên, thành công trong cuộc sống chính là duy trì được nguồn cảm hứng giảng dạy và niềm đam mê. Khi có cảm hứng, có đam mê thì sẽ dễ dàng tiếp lửa đam mê cho học sinh”, cô Mỹ Lệ tâm sự.

Cô Dương Thị Mỹ Lệ gv trường Thcs Quang Trung huyện Châu Đức trong 1 giờ học anh nhé.jpg
Cô Dương Thị Mỹ Lệ GV Trường THCS Quang Trung huyện Châu Đức trong 1 giờ học.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
.
.
.