.

Làm thế nào để không tái nghèo?

Cập nhật: 17:56, 15/11/2020 (GMT+7)

Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được đánh giá đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, việc triển khai các chính sách giảm nghèo còn bộc lộ nhiều bất cập, cần có giải pháp phù hợp để giảm nghèo bền vững. Đó là thông tin được ghi nhận qua đợt khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh về công tác rà soát, xây dựng chuẩn nghèo mới của tỉnh và Đề án giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021-2025.

Ông Phan Văn Hóa (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) - hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò.
Ông Phan Văn Hóa (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) - hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò.

GIÚP NGƯỜI NGHÈO VƯƠN LÊN

Thời gian qua, TX. Phú Mỹ và các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc... đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Hàng chục ngàn hộ nghèo đã được giúp đỡ, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Một số địa phương đã hoàn thành mục tiêu, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn tỉnh giai đoạn 2016-2020, trước 2 năm so với kế hoạch.

Năm 2016, huyện Long Điền có 3.343 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,65% so với tổng số hộ dân), đến nay chỉ còn 470 hộ (1,5% tổng số hộ dân). Ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho hay, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với từng đối tượng nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững. Với gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có nguồn lực lao động, huyện vận động mạnh thường quân hỗ trợ thường xuyên. Trẻ là con hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đến trường, không để các cháu bỏ học giữa chừng. Với hộ có sức lao động, cần vốn, huyện tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế, tự vươn lên thoát nghèo.

“Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và toàn xã hội, tạo ra nguồn lực to lớn thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện. Nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo, huyện đã giải quyết phần nào khó khăn cho người nghèo”, ông Lâm Văn Hồng khẳng định.

Tương tự, các địa phương khác cũng triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo về giáo dục, y tế, nhà ở... cho hộ nghèo. Theo bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, giai đoạn 2016-2020, các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được thực hiện tốt. Những nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch được đáp ứng, điều kiện sống của người nghèo đã cải thiện đáng kể. Các chính sách hỗ trợ đặc thù giảm nghèo bền vững và các chương trình lồng ghép khác cũng đã được triển khai. Nhờ đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao. Kết quả giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã giảm được 6,76% tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đưa tỷ lệ này xuống còn 1,44% so với tổng số hộ dân.

SỚM CÓ GIẢI PHÁP PHÙ HỢP

Dù vậy, việc triển khai chính sách giảm nghèo vẫn còn gặp khó khăn và bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, kết quả giảm nghèo tại một số địa phương chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; mức chuẩn nghèo không còn phù hợp với tình hình hiện nay... Một số người nghèo vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, chưa có tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ cho rằng, một bộ phận người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, không phấn đấu và không muốn thoát nghèo. Trên địa bàn thị xã vẫn còn một số hộ thoát nghèo chưa thực sự bền vững, khả năng tái nghèo khi áp dụng chuẩn nghèo ở giai đoạn mới là rất cao.

Bên cạnh đó, do tinh gọn bộ máy quản lý, cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp cơ sở ngày càng mỏng, trong khi một số cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp huyện, cấp xã xin nghỉ việc, thay đổi cán bộ mới nhưng chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ làm công tác giảm nghèo, chưa quen việc dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. Điển hình như huyện Long Điền có 5 cán bộ giảm nghèo xã, thị trấn đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tham mưu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của các địa phương.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo còn gặp khó khăn, hiện vẫn chưa thực hiện được chính sách hỗ trợ về đất ở cho hộ nghèo. Đồng thời, trong những năm đầu giai đoạn, công tác điều tra, rà soát xác định hộ nghèo tại một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến sai sót trong xác định hộ nghèo. Việc xét duyệt cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng cho vay không đúng đối tượng, không đúng nguồn vốn.

Qua làm việc và giám sát ở các địa phương, Sở LĐTBXH, Đoàn đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo. Những chỉ số thiếu hụt của hộ nghèo, cận nghèo đã cơ bản hoàn thành như y tế, tiếp cận thông tin, hỗ trợ vốn vay...
Các địa phương cần thường xuyên rà soát, phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; nắm rõ nguyên nhân nghèo để có phương pháp giúp đối tượng được hỗ trợ. Đoàn ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các địa phương và Sở LĐTBXH về công tác giảm nghèo và sẽ có đề xuất với UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo.
(Ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-xã hội, HĐND tỉnh)

Để làm tốt hơn công tác giảm nghèo, ông Lâm Văn Hồng đề xuất, các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí và các chế độ đãi ngộ cho người làm công tác giảm nghèo cấp xã nhằm bảo đảm thu nhập ổn định để họ an tâm công tác. Đồng thời, cần giới thiệu, hướng dẫn một số mô hình thoát nghèo mới, có tính hiệu quả cao để các hộ nghèo học tập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, HĐND tỉnh xem xét xây dựng chính sách cho vay vốn 100% các chương trình khuyến nông, khuyến ngư đối với hộ nghèo. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng mức chuẩn để được công nhận thoát nghèo, ít nhất phải cao hơn chuẩn nghèo 2 lần nhằm bảo đảm việc thoát nghèo được bền vững, tránh tái nghèo.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

.
.
.