Khám thai định kỳ giúp bảo đảm an toàn cho cả thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, nhiều thai phụ còn lơ là việc này, dẫn đến những trường hợp gây mất an toàn cho cả mẹ và bé.
Bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Lê Lợi khám thai cho thai phụ. |
Chị H.T.H. (44 tuổi, ở TP. Vũng Tàu) mang thai tháng thứ 6, được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng đau khắp bụng, xuất huyết vùng kín, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, tim thai rời rạc trên siêu âm, ối vỡ. Theo lời kể, bệnh nhân xuất huyết vùng kín một tuần trước nhưng không đi khám, đến khi đau bụng nhiều, ngất xỉu, người nhà mới đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ tử cung trên vết mổ lấy thai cũ. Nhận thấy các biểu hiện này đe dọa tính mạng sản phụ, các bác sĩ vừa truyền máu, vừa tiến hành phẫu thuật và đã cứu sống cả mẹ lẫn con. Sau phẫu thuật, bác sĩ lấy được bé trai cân nặng 1,6kg. Bác sĩ Trần Thị Phương, Khoa Sản (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, bệnh nhân lớn tuổi, mang thai lần thứ 3, trong đó 2 lần mang thai đầu đã được mổ lấy thai. Nhưng lần mang thai này, thai phụ không đi khám đình kỳ để theo dõi sức khỏe. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình huống nguy kịch. “Khi thấy tình trạng của bệnh nhân nguy kịch, chúng tôi đã chẩn đoán và nhanh chóng thực hiện phẫu thuật, may mắn đã cứu sống được cả mẹ lẫn con. Để phòng tránh nguy cơ vỡ tử cung trong thai kỳ, ngay khi biết mình có thai, các thai phụ nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chăm sóc trong suốt thai kỳ”, bác sĩ Phương khuyến cáo.
Cũng trong tháng 10/2020, Bệnh viện Lê Lợi đã cấp cứu và phẫu thuật cứu sống cả mẹ lẫn con cho thai phụ T.T.H., (39 tuổi, ở TP.Vũng Tàu). Khi vào bệnh viện, sản phụ có các biểu hiện huyết áp cao, hoa mắt, chóng mặt. Ngay lập tức, sản phụ đã được bác sĩ thăm khám, cho làm các xét nghiệm và được chẩn đoán bị Hội chứng HELLP. Đây là một biến thể của tình trạng tiền sản giật. Sau khi phẫu thuật lấy được em bé nặng 2,7kg, sản phụ T.T.H. được chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ, rồi qua Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị vì lúc này bệnh nhân còn bị suy gan, suy thận. Theo lời kể của bác sĩ, trường hợp của bệnh nhân T.T.H. rất nguy hiểm tới tính mạng của mẹ và bé. Sản phụ mang thai lần thứ 5 nhưng không đi khám thai lần nào trong suốt thai kỳ.
Từ 2 trường hợp nêu trên có thể khẳng định, những thai phụ không khám thai định kỳ nếu gặp các vấn đề về sức khỏe trong quá trình mang thai rất dễ dẫn đến tình huống nguy hiểm, đe dọa tính mạng và sức khỏe cho mẹ và bé. Việc khám thai định kỳ sẽ mang lại những lợi ích như: Giúp thai phụ nắm rõ sự phát triển của thai nhi thông qua các lần khám thai; được bác sĩ sản khoa tư vấn về những vấn đề thường gặp trong thai kỳ như chế độ dinh dưỡng hoặc một số điều cần tránh khi mang thai để bảo đảm một thai kỳ khỏe mạnh. Một số xét nghiệm chỉ có thể chính xác ở một khoảng thời gian nhất định của thai kỳ. Vì vậy, thai phụ nên đi khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Lê Lợi cho biết, thực trạng đáng báo động là một số phụ nữ mang thai không đi khám thai suốt thai kỳ, hoặc chỉ đi siêu âm, làm một số xét nghiệm. Điều này không đúng với khuyến cáo và quy trình khám thai của ngành y tế. Theo bác sĩ Hoàng Phước Ba, thai phụ nên đi khám thai ít nhất 4 lần trong thời gian thai kỳ. Trong đó, thai phụ nên lưu ý và đi khám thai theo các mốc thời gian: Trễ kinh 1-2 tuần, đi khám để xác định có thai và lập sổ theo dõi thai kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết cho bà mẹ; từ 2-3 tuần, đi khám để kiểm tra tim thai và dự đoán ngày sinh; 11 đến 13 tuần 6 ngày, đo độ mờ da gáy và làm xét nghiệm sàng lọc, tìm nguy cơ thai nhi dị tật; từ 16-22 tuần, siêu âm hình thái học, xác định thai nhi có dị tật bẩm sinh hay không.
Sau đó, thai phụ tiếp tục đi khám thai theo sự chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa; 3 tháng cuối của thai kỳ thì nên đi khám nhiều lần hơn, thai từ 34 tuần trở lên thì khám 2 tuần/lần, 36 tuần trở lên nên khám 1 tuần/lần. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, thai phụ phải chích ngừa uốn ván.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM