.
ẨM THỰC BA MIỀN HỘI TỤ

Kỳ 5: Thương hoài món lươn xứ Nghệ

Cập nhật: 20:15, 13/11/2020 (GMT+7)

“Người xứ Nghệ ăn lươn quê mình thấy hồn mình trong đó, còn người xứ khác khi ăn là được trải nghiệm, để rồi cũng xây thành nỗi nhớ”, chị Nguyễn Thị Dung, chủ quán lươn “O Choa” (64, Lê Lai, phường 1, TP. Vũng Tàu) chia sẻ về món ăn xứ Nghệ đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân phố biển Vũng Tàu.

Các món miến lươn, miến xào lươn, súp lươn được chế biến tại quán “O Choa”.
Các món miến lươn, miến xào lươn, súp lươn được chế biến tại quán “O Choa”.

Vừa bước chân vào quán, mùi thơm lan tỏa từ lươn xào, từ hành, nghệ đang được đầu bếp chế biến cùng những bài ca về quê hương xứ Nghệ văng vẳng, khiến khách tưởng như đang ở trong một quán ăn ngay trên quê hương Bác.

Chị Dung quê ở huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Tốt nghiệp ĐH Ngân hàng, chị vào TP. Vũng Tàu làm việc từ năm 2009. Nhiều năm xa quê, chị đau đáu nỗi nhớ nhà, nhớ những ngày còn nhỏ, chị thường cùng lũ trẻ trong xóm theo người lớn ra đồng bắt lươn về nhà nấu cháo, nấu miến. Nhận thấy ở Vũng Tàu, người quê Nghệ An, Hà Tĩnh rất đông nên chị nghĩ đến việc mở quán lươn vừa để thỏa nỗi nhớ quê, vừa để phục vụ đồng hương và giới thiệu đến bạn bè khắp nơi món đặc sản quê mình. Sau thời gian ấp ủ, năm 2018, quán lươn “O Choa” ra đời. 

Lươn của quán là loại lươn vàng tự nhiên ở vùng quê lúa Yên Thành (Nghệ An), thịt dai, ngon, béo và chắc. Lươn được làm sạch nhớt bằng muối, nước chanh hoặc dấm và chút nước nóng để át vị tanh. Sau khi hoàn tất khâu sơ chế, lươn sẽ được cấp đông và được đầu mối gửi xe khách vào Vũng Tàu.

Theo chị Dung, trước khi chế biến thành món ăn, lươn được luộc chín vừa thì vớt ra tách riêng thịt và xương. Thịt lươn xào với nghệ, ớt, tiêu và gia vị không thể thiếu là hành tăm (củ nén) - thứ hành chỉ có ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Hành tăm giúp làm dậy lên mùi thơm của lươn và cho vị cay nồng. Nước lèo được nấu từ đầu và xương lươn. Đầu bếp nướng củ hành tím, gừng cho dậy mùi thơm rồi bỏ vào túi vải và đặt vào nồi nước lèo đun đến khi sôi thì nêm nếm gia vị vừa ăn. Miến trước khi sơ chế phải ngâm trong nước lạnh khoảng 5-10 phút cho mềm. 

Thịt lươn ngon là khi múc ra tô hay đĩa, miếng lươn vẫn còn nguyên, đưa vào miệng cảm giác mềm, giòn tan, đậm vị cay của ớt và dậy mùi thơm của gia vị. Các món lươn thường ăn kèm với rau sống gồm tía tô, ngò gai, thì là, giá sống, măng chua để khắc chế mùi tanh. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, rau giá được mẹ chị tự ủ bằng chum lớn nên thân giá thường ngắn và mập, còn măng cũng tự muối.  Để món ăn lên màu đẹp, bắt mắt, quán dùng nghệ tươi giã nhuyễn cho vào nước súp. Vì vậy, miến lươn ở quán bao giờ cũng có màu vàng óng ả. 

Anh Nguyễn Thành Trung (quê Nghệ An, hiện đang sống và làm việc tại TP. Vũng Tàu) nhận xét, các món lươn ở quán “O Choa” có nước ngọt thanh, thịt lươn mềm, ngọt. Quán có nhiều món để khách thay đổi khẩu vị: miến lươn nước, miến xào lươn, súp lươn, cháo lươn. Đũa muỗng được ngâm trong ly nước sôi, cùng với không gian bếp sạch sẽ mang lại cho khách cảm giác an toàn, vệ sinh. 

“Các món ăn cũng không quá đắt, dao động từ 35-40 ngàn đồng/phần. Ngoài ra, quán còn miễn phí nước đậu nành; có nước trà xanh nhấm nháp. Tất cả đều mang hương vị xứ Nghệ khiến tôi trở thành khách quen của quán”, anh Trung nói. 

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
.
.
.