Thế nào là sang?
Với từ sang, ta hiểu rằng đó là người “phong lưu, cao quý” (Việt Nam tự điển, 1971); “có địa vị, danh vọng, được mọi người kính trọng” (Đại từ điển tiếng Việt, 1999); trước đó nữa, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Vinh hiển, trọng vọng”. Xin đừng trách tôi mải mê “tầm chương trích cú”, vì rằng, khi bàn về một vấn đề nhất là từ có liên quan đến thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt thì ta không thể khinh suất, cẩu thả.
Minh họa: MINH SƠN |
Với câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ” là một thí dụ, ta xét thấy, giữa sang và giàu đã có sự khác biệt, dù rằng người ta thường gộp chung giàu sang/ sang giàu nhưng cả hai từ này đều có ý nghĩa khác nhau. Ở đây, người vợ chỉ đóng vai trò làm sang cho chồng. Ta hiểu, dù đôi uyên ương đó không giàu có gì, chỉ “thường thường bậc trung”, “cầu vừa đủ xài” nhưng trong mắt thiên hạ, người chồng vẫn… sang như thường.
Tại sao?
Có nhiều cách làm sang cho chồng. Theo tôi, đức tính này rất đáng ca ngợi vai trò của người vợ trong mỗi nếp nhà, tức là họ lặng lẽ, khép mình đứng phía sau nhằm tôn chồng lên một bậc cao hơn. Cao hơn ở đây, ta hiểu là sự đánh giá người chồng trong các mối quan hệ xã hội. Xét ở góc độ nào đó, còn chính là công của vợ, vì lẽ đó, ông bà ta đã dạy: “Gái có công, chồng chẳng phụ” là vậy.
Từ xửa từ xưa, khi đọc mẩu chuyện này của Kim Thánh Thán, tôi cứ nhớ mãi, tấm tắc khen cho phép ứng xử của một người vợ đã làm đẹp mặt chồng. Đẹp mặt chồng tức là cũng đẹp mặt cho mình. Chuyện rằng, có đôi bạn mười năm cách biệt, ngày kia lúc trời sẫm tối, ngoài trời mờ mịt tuyết bay, lạnh buốt, đột nhiên bạn đẩy cửa vào nhà. Bạn trèo đèo lội suối đến thăm bạn. Bạn đang rét. Bụng đói. Chân run. Ôi dào, mừng quá. Phải có gì đãi bạn chứ? Tất nhiên. Nhưng nhà đang túng, gạo không có mà ăn, lấy gì đã bạn? Người chồng phân vân, rồi trí quá bèn bước xuống bếp khẽ khàng hỏi vợ: “Bà có sẵn đấu rượu như bà Đông Pha không?”. Nghe chồng hỏi, vợ hiểu ý gật đầu. Nàng vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem ra quán đổi rượu đặng chồng đãi bạn. “Há chẳng sướng sao”, ấy là lời của Kim Thánh Thán bình luận về mẩu chuyện này. Không chỉ sướng mà còn là một cách người vợ làm sang cho chồng đấy thôi.
Tâm thức này, không xa lạ với phụ nữ Á Đông nói chung. “Nhịn miệng tiếp khách đường xa/ Cũng bằng gửi của chồng ta ăn đường”. Ấy là sự toan tính chỉnh chu cho chồng, sau này, một khi công cán, đi xa đâu đó, chồng mình cũng có nơi “cơm bưng nước rót” như ai, sang hẳn lên, chứ nào phải cơm hàng cháo chợ. Sang là thế đấy.
Ngược lại, khi bạn bè của chồng ghé nhà chơi, nếu người vợ chửi chó mắng mèo, đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ thì dù có trên ngồi ghế lót nhung, chạm vàng, nhâm nhi gan trời, ăn cao lương mỹ vị đi nữa thì khách cũng cảm thấy nơi đó cũng không bằng ngồi quán cóc vỉa hè ngoài bờ kênh Nhiêu Lộc! Đã thế, khách còn cảm thấy bạn mình - tức người chủ nhà trở nên hèn hèn thế nào đó, thiệt tình đáng thương hại. Mà, những con người ấy liệu chừng có còn được thiên hạ trọng vọng, kính nể nữa không?
Tôi biết, có người ăn nên làm ra, không túng thiếu nhưng trong mắt thiên hạ vẫn thấy không sang chút tẹo tèo teo nào, vì rằng, bao nhiêu tiền của thì vợ giữ riệt, không nhả cho một xu, hễ gặp mặt bù khú bạn bè chỉ ké theo, chầu chực vào người khác. Sang hay hèn? Lại có người thừa sức sắm cho mình một cửa hàng thời trang, nhưng rồi khi ra đường vẫn nhếch nhác, đơn giản chỉ vì vợ không ghé mắt đến chăm chút. Lúc ấy, người đàn ông bị dè bĩu, thử hỏi, họ nghĩ gì về người vợ của họ? Khen hay chê?
Với chuyện sang hèn này, nhiều người lập luận rằng, cần quái gì đến vợ, tự mình cũng thừa sức làm sang cho mình kia mà. Thí dụ, có người thành đạt từ công danh đến sự nghiệp, đi ra đường lúc nào cũng tiền hô hậu ủng, tả phù hữu bật, “nói có người nghe, đe có người sợ, vợ có người chăm, nằm có người bóp, họp có người ghi, chi có người bù…”, vậy là sang chứ gì? Vâng, đúng là sang. Tôi không cãi. Nhưng có người dù “trên răng, dưới cùi bắp” nhưng rồi vẫn sang như thường, đó mới là chuyện đáng nói. Đáng nói ở chỗ, nhìn nhận của dư luận từ các mối quan hệ “công bằng” lắm, bất kể là ai, thành phần xã hội thế nào, thu nhập ra sao nhưng họ có sang hay không còn tùy thuộc vào phép ứng xử của vợ dành cho chồng họ nữa.
Câu tục ngữ “Giàu vì bạn, sang vì vợ” là đặt trong trường hợp có đũa có đôi, còn những ai độc thân, “tự thân vận động” dù sang hay hèn thì ở đây không bàn đến.
LÊ MINH QUỐC