.

Can thiệp mạch vành cứu người nhồi máu cơ tim cấp

Cập nhật: 16:05, 11/09/2020 (GMT+7)

Đang chạy xe gắn máy đi làm thì ông V.A.T (56 tuổi, ở TP.HCM) đột ngột thấy hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm rồi ngất xỉu và té ngã. May mắn được các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 can thiệp mạch vành kịp thời, ông T. đã thoát khỏi “cửa tử” do nhồi máu cơ tim cấp đe dọa sốc tim. 

Bác sĩ đang tiến hành can thiệp mạch vành cho một người bệnh.
Bác sĩ đang tiến hành can thiệp mạch vành cho một người bệnh.

Lên cơn nhồi máu cơ tim cấp, người đàn ông ngất, ngã xe giữa đường

Nhận được tin báo về một nạn nhân là nam, ngã xe, đập đầu xuống đường, ngay lập tức, xe cứu thương cùng ê kíp cấp cứu của Bệnh viện Gia An 115 xuất phát đến nơi xảy ra tai nạn. Sau khi được đội ngũ y bác sĩ trên xe cứu thương sơ cứu, bệnh nhân đã tỉnh lại. Tại Bệnh viện Gia An 115, bệnh nhân T. cho biết khi đang chạy xe trên đường, ông đột ngột cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm rồi ngất xỉu, đầu đập xuống đường. Thật may, ông T. được người đi đường phát hiện và báo cấp cứu kịp thời. Qua khai thác bệnh, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có bệnh lý nền khá phức tạp, tiền sử tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ, sỏi túi mật, thận ứ nước, mỡ máu cao.

Tiếp nhận trường hợp cấp cứu, BS.CK2. Dương Duy Trang-Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115-nhận định bệnh nhân có khả năng cao bị nhồi máu cơ tim cấp và nhanh chóng chỉ định các cận lâm sàng cần thiết.

Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim đột ngột bị cắt đứt, gây tổn thương tế bào cơ tim, thường gây ra các cơn đau ngực. Đây là hậu quả của sự tắc nghẽn tại một hoặc nhiều động mạch vành.

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính

Các kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân T. đã khẳng định chẩn đoán của BS. CK2 Dương Duy Trang: Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do động mạch vành phải bị hẹp 70%, có huyết khối. Như vậy, nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp là do huyết khối (cục máu đông) làm bít tắc lòng mạch máu, khiến vùng cơ tim phía sau thiếu máu nuôi, gây nên nhồi máu cơ tim. Huyết khối xuất hiện chủ yếu do sự tích tụ các mảng bám lâu ngày trong lòng mạch do xơ vữa động động mạch. Những triệu chứng của ông T. là điển hình cho tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, nếu không được can thiệp kịp thời, khả năng cao người bệnh sẽ tử vong.

Can thiệp mạch vàng điều trị nhồi máu cơ tim trong 30 phút

Ngay lập tức, BS. Dương Duy Trang cùng ê kíp đã tiến hành thủ thuật can thiệp chụp mạch máu xóa nền, nong và đặt stent (giá đỡ) động mạch vành để tái thông động mạch, cứu bệnh nhân. Toàn bộ quá trình can thiệp mạch diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và rất nhẹ nhàng qua ống thông can thiệp được luồn vào mạch máu qua lỗ mở nhỏ ở cánh tay đến tim. Người bệnh được cứu thoát khỏi cửa tử chỉ trong vòng 30 phút.

Can thiệp mạch vành (PCI) là thủ thuật phải do các bác sĩ chuyên khoa về tim mạch can thiệp thực hiện. Can thiệp mạch vàng giúp tránh cho người bệnh phải chịu đựng một cuộc mổ mở thường kéo dài 3-4 tiếng với nhiều nguy cơ tai biến để thực hiện phẫu thuật bắc cầu bằng cách lấy một đoạn mạch từ nơi khác trong cơ thể làm cầu nối, tạo đường đi mới để máu có thể đến nuôi dưỡng cơ tim đầy đủ.

Sau khi tiêm thuốc tê tại vị trí đùi hoặc cổ tay của người bệnh, bác sĩ luồn ống dẫn vào mạch máu đùi hoặc cổ tay, nương theo đường của mạch máu dẫn về tim. Dựa vào hình ảnh thu được trên màn hình, các bác sĩ xác định vị trí tắc đồng thời thực hiện đặt stent để tái lập dòng chảy, thông thương vùng bị tắc. Trong suốt quá trình thực hiện can thiệp mạch vàng, người bệnh vẫn tỉnh và có thể quan sát tiến trình thủ thuật trên màn hình trong phòng phẫu thuật.

Sau can thiệp, ông T. được tiếp tục điều trị chấn thương vùng đầu và các bệnh lý nền tại bệnh viện.

Chạy đua với thời gian để xử trí kịp thời

Theo BS. CK2. Dương Duy Trang, nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có tỷ lệ tử vong cao nhất ngay trong giờ đầu tiên. Chính vì vậy, việc chạy đua với thời gian là yếu tố sống còn quyết định tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, nếu người bệnh có các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp như đau ngực trái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn… thì cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời. Thực hiện sớm các phương pháp can thiệp tim mạch giúp tái thông động mạch vành sẽ mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân. Càng xử trí chậm trễ, nguy cơ tử vong của bệnh nhân càng cao.

Tăng huyết áp, đái tháo đường có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim

BS. CKII. Dương Duy Trang cũng khuyến cáo, việc định kỳ khám sức khỏe tổng quát nói chung, khám tim mạch nói riêng có ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp, đặc biệt là với các bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, mỡ máu cao (rối loạn lipid máu)… như trường hợp của ông V.A.T. Khi bệnh nhân chủ quan, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng vì trên thực tế, không phải nạn nhân nào cũng may mắn được can thiệp y tế kịp thời.

TRẦN NHUNG

 
.
.
.