Xét nghiệm Gene Xpert giúp phát hiện sớm bệnh lao
Được sự hỗ trợ của Chương trình chống lao quốc gia, từ ngày 5/8, Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu triển khai kỹ thuật xét nghiệm Gene Xpert trong chẩn đoán bệnh lao. Đây là kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, với hệ thống máy móc hiện đại, cho kết quả chính xác trong thời gian ngắn.
Kỹ thuật viên Vũ Ngọc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân trên máy Gene Xpert. |
Sau nhiều ngày ho liên tục, tự mua thuốc tây về uống nhưng không đỡ, chị T.T.C. (33 tuổi, ở phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) để khám và làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy, chị C. dương tính với vi khuẩn lao. Tại đây, bác sĩ khuyến cáo chị nên đến trung tâm y tế địa phương để được quản lý điều trị.
Ngày 18/8, chị lại đến Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu làm xét nghiệm Gene Xpert để xác định tỷ lệ vi khuẩn lao nhiều hay ít, vi khuẩn có kháng thuốc lao hay không. Sau khi xét nghiệm, chị C. được làm hồ sơ điều trị tại Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu. “Kỹ thuật xét nghiệm này vừa không mất tiền, vừa giúp tôi nhận diện thể lao không kháng thuốc và bác sĩ có phương pháp chữa trị kịp thời nên tôi đỡ lo”, chị C. nói.
Tương tự, ông H.V.L. (63 tuổi, ở phường 9) cũng đến Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu làm xét nghiệm Gene Xpert và cho kết quả dương tính với vi khuẩn lao nhưng không thuộc dạng kháng thuốc. Ông đã được điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu từ ngày 17/8. Ông L. cho biết, trước đây, nếu muốn làm xét nghiệm xác định vi khuẩn lao có kháng thuốc hay không, Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đến bệnh viện tuyến trên hoặc bệnh nhân phải lên các bệnh viện đó làm xét nghiệm. Do đó, việc Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu thực hiện xét nghiệm Gene Xpert đã tạo thuận lợi cho bệnh nhân cả trong công tác khám, xét nghiệm và điều trị bệnh”.
Xét nghiệm Gene Xpert là kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá của ngành y tế thế giới nói chung và chẩn đoán bệnh lao nói riêng. Kỹ thuật này tích hợp 3 công nghệ, gồm: tách gen, nhân gen và nhận biết gen. Kỹ thuật được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứng thực và khuyến cáo áp dụng trong công tác phòng chống lao. Theo đó, Gene Xpert được sử dụng như xét nghiệm chẩn đoán lao ban đầu cho những trường hợp nghi thuộc diện lao kháng thuốc hoặc lao đồng nhiễm hội chứng suy giảm miễn dịch HIV. Những khu vực lao kháng thuốc hoặc khả năng nhiễm HIV không cao thì có thể sử dụng để xét nghiệm đờm âm tính với mục đích tăng khả năng phát hiện lao phổi AFB dương tính.
Ngoài ra, phương pháp xét nghiệm Gene Xpert cho phép xác định vi khuẩn lao với độ đặc hiệu và độ nhạy rất cao. Xét nghiệm Gene Xpert cho kết quả trực tiếp với bệnh phẩm là đờm AFB dương tính có độ nhạy 98%; đờm AFB âm tính có độ nhạy 72%. Cả 2 loại này đều có độ đặc hiệu 99,2%. Ưu điểm của xét nghiệm Gene Xpert là thời gian trả xét nghiệm chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ. Việc này có lợi lớn trong việc chẩn đoán sớm bệnh lao và lao kháng thuốc. Khi phát hiện và điều trị sớm thì khả năng khỏi bệnh cao hơn và hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng.
Kỹ thuật viên Vũ Ngọc, phụ trách xét nghiệm lao, Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu so sánh, trước khi chưa có máy xét nghiệm Gene Xpert, Trung tâm lấy bệnh phẩm của bệnh nhân gửi lên các bệnh viện tuyến trên để xét nghiệm. Quy trình này phải mất 3-4 ngày mới có kết quả. Từ khi Chương trình chống lao quốc gia hỗ trợ Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu máy xét nghiệm Gene Xpert, việc xét nghiệm trong chẩn đoán bệnh lao thuận tiện hơn rất nhiều. Người bệnh sẽ được xét nghiệm từ đầu để xác định bệnh và có phác đồ điều trị ngay lập tức nên hiệu quả điều trị bệnh mang lại cao hơn. Hơn nữa, người bệnh được xét nghiệm miễn phí Gene Xpert, bởi kỹ thuật này được Chương trình chống lao quốc gia tài trợ.
Được trang bị thiết bị xét nghiệm Gene Xpert, Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu đẩy mạnh hoạt động tầm soát, quản lý và điều trị bệnh lao đa kháng thuốc nhằm phục vụ tốt hơn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao, nhất là các trường hợp lao kháng thuốc trên địa bàn TP.Vũng Tàu. “Từ khi triển khai kỹ thuật xét nghiệm Gene Xpert, Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu đã làm xét nghiệm cho 40 trường hợp, trong đó chưa phát hiện trường hợp nào kháng thuốc lao. Kỹ thuật này không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh lao mà còn giúp tôi nâng cao tay nghề và chuyên môn trong quá trình làm xét nghiệm cho bệnh nhân”, kỹ thuật viên Vũ Ngọc nói.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM