KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10: Đừng để mất điểm vì những sai sót nhỏ
Hôm nay, 20/7, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập chính thức diễn ra. GV có kinh nghiệm, từng tham gia chấm thi trong kỳ thi này đã “điểm danh” những sai sót thí sinh thường mắc phải khi làm bài và đưa ra lời khuyên giúp các em có được kết quả tốt nhất.
Học sinh lớp 9A8 trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP.Vũng Tàu) trong tiết ôn tập môn Ngữ văn. |
ĐỀ THI BẢO ĐẢM TÍNH PHÂN HÓA
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 13.384 thí sinh đăng ký dự thi vào 28 trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh. Riêng Trường THPT Dân tộc nội trú (huyện Châu Đức) và THPT Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo) tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.
Sở GD-ĐT tổ chức một kỳ thi chung để tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các trường phổ thông công lập trên địa bàn năm học 2020-2021. Nội dung thi gồm ba môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Thí sinh đăng ký vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thi thêm môn chuyên. Sở GD-ĐT cũng đã ra quyết định thành lập 28 điểm thi tuyển sinh lớp 10 với 569 phòng thi. Trước đó, Sở đã công bố đề cương ôn tập của các môn thi để các trường THCS tổ chức ôn tập cho HS.
* Ngày 20/7, buổi sáng, thí sinh tập trung về phòng thi, làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có); buổi chiều dự thi môn Ngữ văn. Ngày 21/7, buổi sáng, thí sinh dự thi môn Toán; buổi chiều dự thi môn tiếng Anh.
* Trước đó, từ ngày 15-16/7, thí sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã dự thi 7 môn chuyên.
|
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Sở GD-ĐT đã rà soát, lập danh sách các trường, thành lập các điểm thi và có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị về cơ sở vật chất tại các điểm thi. Còn về đội ngũ, Sở cũng đã có danh sách cụ thể các cán bộ làm công tác thi tại từng điểm thi; đồng thời có kế hoạch cụ thể triển khai kỳ công tác coi thi, chấm thi... Trước đó, ngày 15/5, Sở GD-ĐT đã công bố đề cương ôn tập và ma trận đề của 7 môn chuyên và 3 môn không chuyên. Bà Trần Thị Ngọc Châu nhấn mạnh, đề thi tuyển sinh năm nay sẽ bám sát chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn bảo đảm tính phân hóa để “lọc” HS vào trường chuyên và các trường công lập. Theo kế hoạch, tỷ lệ này đạt khoảng 78%.
LÀM BÀI MỘT CÁCH KHOA HỌC
Là GV có thâm niên chấm thi tuyển sinh lớp 10, cô Đỗ Thúy Dương, GV Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, ở phần Đọc hiểu, nhiều em không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi đặt ra mà viết lan man, dông dài, vừa mất thời gian vừa không được điểm. Hoặc khi đề bài hỏi em hiểu như thế nào về một ý kiến nào đó thì thay vì giải thích ý kiến đó một cách dễ hiểu theo sự hiểu biết của mình thì có em lại dùng những hình ảnh phức tạp hơn để diễn giải. Ở phần Nghị luận xã hội, lỗi “kinh điển” của các em là thiếu dẫn chứng, lý lẽ sơ sài. Cùng với đó, khi liên hệ trải nghiệm của bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động, nhiều em chỉ nêu chung chung như “là HS…”, hay “chúng ta…” mà không có liên hệ một cách cụ thể. Còn đối với phần Nghị luận văn học, theo cô Thúy Dương, lỗi thường gặp là các em hay diễn xuôi đoạn thơ hay kể lại truyện chứ không phân tích, đi từ nghệ thuật đến nội dung của văn bản.
Đối với môn Toán, cô Nguyễn Thị Tố Như, GV Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc), trong bài thi tuyển sinh lớp 10, HS thường trình bày khá dài dòng. “Càng dài dòng càng dễ bị trừ điểm. Bởi trong quá trình diễn giải chi tiết, chỉ cần sơ suất một chút sẽ dẫn đến sai sót và bị trừ điểm”, cô Như nói. Ngoài ra, khi vẽ đồ thị, không ít HS sẽ gặp khó khăn trong việc chia tỷ lệ khi tính ra kết quả “không đẹp”. Khi chia tỷ lệ không chính xác, hình vẽ không chuẩn, các em sẽ không được tính điểm. Mặt khác, HS còn dễ bị trừ điểm bởi lỗi trình bày như sử dụng dấu sai, trình bày không rõ ràng, mạch lạc…
Còn môn tiếng Anh, cô Trần Thị Thu, tổ phó bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu), lỗi rất đáng tiếc khi làm bài thi tuyển sinh lớp 10 là sai lỗi chính tả, điền được đúng từ nhưng không chia động từ, danh từ số ít, số nhiều… Bên cạnh đó, khi viết bài luận, không ít HS trình bày theo kiểu “không đầu, không cuối”, thiếu câu mở đoạn, kết đoạn nên bị trừ khá nhiều điểm.
Cô Trần Thị Thu, GV bộ môn tiếng Anh, đề bài được sắp xếp theo thứ tự khó dần. Do đó, các em ưu tiên làm các câu hỏi từ dễ đến khó, tùy theo khả năng của mình. Với bài nghe, ngoài việc nghe thật kỹ để điền được từ chính xác, các em còn lưu ý chia từ cho đúng mới có thể giành được điểm. Khi viết bài luận, các em nên viết ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn phải bảo đảm đủ 3 phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Nên có 1-2 câu mở đoạn, sau đó nêu ra 3-4 giải pháp, mỗi giải pháp viết khoảng 2 câu rồi kết đoạn.
Theo cô Lê Thị Trang Nhung, khi làm bài thi môn Ngữ văn, thí sinh nên bình tĩnh, dành thời gian đọc kỹ đề để nắm chắc yêu cầu của đề bài, tránh làm sai yêu cầu hoặc lạc đề. Các em nên chú ý diễn đạt rõ ràng từng câu, từng ý, để việc chấm điểm được thuận lợi. Các em cũng cần phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần. Không nên chỉ sa đà vào một câu nào đó mà bỏ qua những câu khác dẫn đến kết quả không cao.
Với môn Toán, thí sinh có thể tham khảo đáp án, hướng dẫn chấm thi của những năm trước, xác định những điểm mấu chốt để “ăn điểm”, tránh trình bày dài dòng, quá tỉ mỉ, chi tiết. Khi làm bài, nên ưu tiên làm trước, làm chắc những câu trong khả năng của mình rồi mới bắt tay vào chInh phục những câu hỏi khó.
(Cô Nguyễn Thị Tố Như, GV Trường THPT Xuyên Mộc,
huyện Xuyên Mộc), “Sau khi phát đề, thí sinh nên đọc đề một lượt xem có chỗ nào mờ, thiếu thì mạnh dạn thông báo với giám thị. Khi làm bài, không nên dừng lại ở một câu quá lâu mà có thể đánh dấu để quay trở lại làm. Với bài thi môn tiếng Anh, nên dành tối thiểu 5 phút để rà soát lại toàn bộ bài làm”.
(Thầy Võ Văn Tuấn, GV Trường THPT Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu)
|
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG