.

Khi con "ớn" học!

Cập nhật: 23:36, 03/07/2020 (GMT+7)

Chị gái tôi là mẹ đơn thân, chỉ có một cậu con trai duy nhất. Cháu thông minh từ bé, học từ tiểu học lên tới hết THCS năm nào học lực cũng xếp loại giỏi. Mẹ cháu tự hào lắm. Không riêng gì mẹ cháu, cả gia đình bên ngoại đều phấn chấn, tin rằng cứ đà ấy thẳng tiến đường nào cháu cũng đỗ đạt, “một bước nên ông”.

Hết lớp 9, cháu thi đậu vào trường công lập với điểm số cao, vào luôn lớp chọn. Chẳng hiểu lí do gì mà chưa xong cái học kì 1 lớp 10 cháu đã tuột dốc thảm hại rồi tự động… bỏ học luôn. Nhà trường gọi điện báo về khiến cả gia đình tá hỏa. Kêu cháu ngồi lại dò hỏi, động viên đủ cách để tìm hiểu nguyên nhân cháu chỉ một mực khai: do… ớn học quá rồi nên muốn nghỉ! Dỗ dành, thuyết phục mãi cháu mới miễn cưỡng để gia đình “lùa” đến trường. Nhưng được vài ba hôm cháu lại bỏ lớp đi chơi. Chuyện cứ thế lặp lại đến lần thứ ba thì cháu thực sự “chống lệnh”, tuyên bố thà chết chứ nhất quyết không đi học nữa! Cả nhà nhìn nhau bất lực; riêng mẹ cháu bật khóc ròng…

Chuyện ông bạn hàng xóm của tôi còn bi hài hơn. Vợ chồng đều là lao động phổ thông, đầu tắt mặt tối lo làm nuôi cậu con trai lớn ăn học. Thấy con học hành giỏi giang anh chị mừng lắm; càng ra sức “cày cuốc” hăng hơn; bụng những mong con ăn học thành tài để sau này giúp đỡ lại mẹ cha. Vậy nhưng chưa hết lớp 9 cháu đã bắt đầu có biểu hiện chểnh mảng việc học hành, thường xuyên bỏ tiết, tụ tập chơi bời với đám bạn hư. Mắng mỏ mãi không ăn thua, bạn tôi đổi chiến thuật, kêu cháu vào thực thi “khổ nhục kế”: hai vợ chồng thi nhau sụt sùi, ngọt nhạt khuyên lơn cháu phải ý thức được cảnh khổ của gia đình, thương lấy mẹ cha và các em mà gắng học hành đặng mai sau giúp đỡ được gia đình và vân vân.

Thằng bé cũng không phải loại “sắt đá”, thấy cha mẹ khóc cháu cũng… bật khóc theo. Vừa rối rít xin lỗi mẹ cha cu cậu vừa thút thít: con biết con sai rồi. từ nay con hứa sẽ không lêu lổng ăn chơi; xin ba mẹ cho con đi… bán vé số (!). Vợ chồng ông bạn đương nhiên “tắt đài”, cứng lưỡi…

Chuyện bỏ học vì “ớn” ở một bộ phận thanh/thiếu niên học sinh, sinh viên – kể cả những em từng có thành tích học tập khá giỏi – đã không còn là hiện tượng hiếm hoi trong xã hội. Đối mặt với thực trạng đau đầu này các bậc cha mẹ cần hết sức kiềm chế, không nên “giận mất khôn” mà làm tình hình trầm trọng thêm. Phải mềm mỏng tìm hiểu nguyên nhân: nếu do các tác động xấu ngoài xã hội (mê game, bị bạn bè hư lôi kéo…) thì phải tìm cách khéo léo “triệt tiêu” nguyên nhân song song cùng khuyên giải, động viên. Đáng ngại nhất là chuyện “ớn” học không có nguyên nhân bên ngoài mà chỉ là vấn đề tự thân – do các em không còn hứng thú, đam mê cùng chữ nghĩa. Gặp trường hợp này, nếu khuyên giải không được ta đành phải “tùy duyên”, chờ cho đến lúc tự bản thân các em nhận ra, “quay đầu vào bờ”. “Bờ” ấy có thể sẽ không được như mong muốn ban đầu của các bậc phụ huynh; nhưng đó là điều chúng ta buộc phải chấp nhận. Dẫu biết làm cha mẹ không ai không mong muốn con mình thành đạt; nhưng không phải vì thế mà ta cứ ép con bằng mọi giá đi theo cái quĩ đạo mà ta mong muốn - trong khi chúng hoàn toàn không muốn hoặc chưa thực sự sẵn sàng.

Y NGUYÊN

 
.
.
.