.

Vợ chồng gây nhau vì… cú điện thoại ất ơ

Cập nhật: 22:58, 03/07/2020 (GMT+7)

Đang lai rai cùng bạn bè, hắn ta vừa chí chóe cãi, nóng mặt tía tai vì tranh luận một chuyện gì đó. Bình thường thôi, bởi một khi đã có chút men, con người ta lại thường hưng phấn, hào hứng hơn so với lúc tỉnh. Dù rằng chuyện ấy nhỏ như cái móng tay nhưng vì đã ngà ngà say lại thấy “không thể bỏ qua”, bèn cãi vung tí mẹt. Gân cổ cãi lại, dù thắng dù thua nhưng sau đó, hễ nghe: “Dzô trăm phần trăm” thì y như rằng, mọi việc lại đâu vào đó, chẳng gì đáng bận tâm rồi lại lái sang chủ đề khác.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Sự việc chỉ trở nên rắc rối, là lúc đó có ai đó ngồi chung bàn nổi hứng gọi điện thoại cho người khác kể lại sự việc đang diễn ra; hoặc xác minh thông tin của đôi bên. Sở dĩ rắc rối và có lúc trở thành lớn chuyện với người nói và người nghe không cùng tâm thế, cùng “tần số”. Một bên đang say, một bên đang tỉnh và không nắm rõ đầu đuôi câu chuyện nên mới có chuyện ông chẳng bà chuộc/ông nói gà bà nói vịt dễ gây hiểu nhầm.

Thì đó, hắn ta đang quả quyết như đinh đóng cột: “Một khi người vợ cao hứng nấu thức ăn ngon đãi chồng dù chồng chẳng yêu cầu, chỉ có thể là do cô ấy lẳng lặng chuộc lỗi lầm gì đó”. Quan niệm này đúng hay sai là còn tùy trường hợp cụ thể của mỗi nhà, không ai giống ai, vì thế có tranh cãi chẳng qua cũng cho vui mà thôi.

Khổ thay, trong đám bè bạn chung bàn lại có người gọi điện thoại cho vợ của hắn ta: “Nè, bạn ơi, có phải khi bạn phạm lỗi lầm gì thì bạn thường đãi món ngon cho chồng không?”. Vừa soạn giáo án, vừa chấm bài vở cho học trò nhưng nhìn thấy số điện thoại bạn của chồng, tất nhiên, cô không thể làm lơ. Nghe câu hỏi ấy, cô cảm thấy như trời trồng và kinh ngạc, ấm ức không rõ vì sao lại có câu hỏi này? Chắc là bị chồng “bêu riếu” ở bàn nhậu nên người ta mới xác minh?

Trong khi đó, sau khi quay về nhà, chẳng ai nhớ đầy đủ những gì đã “tám”. Đã tào lao chuyện trên trời dưới đất thì nhớ làm chi cho mệt? Mọi cãi cọ, tranh luận nọ kia cũng vui thôi mà. Đúng thế. Duy chỉ có người không hiểu như thế là cô vợ. Thông thường lúc chồng quay về nhà, cô vợ thường hỏi: “Bữa nay gặp bạn bè, có gì vui không anh?”. Sở dĩ hỏi âu yếm vì ban đêm người chồng chẳng mấy khi ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết nhưng lần này lại khác. Anh ta tỉnh rượu ngay khi nghe vợ nói mát: “Đẹp mặt chửa? Đem chuyện nhà, chuyện vợ con ra phơi bày trên bàn làm mồi nhậu à? Nếu anh túng thiếu, cứ bảo em đưa cho, việc gì phải bôi mặt em đến thế?”. Không đợi chồng “thanh minh thanh nga”, cô vợ kể lại vanh vách câu hỏi đã diễn ra. Hắn ta cứng đơ cái lưỡi thốt lên: “Cậu hại tớ rồi X ơi”.

Nào có phải riêng X, nhiều người có thói quen hễ say say cứ bấm điện thoại liên tục, gọi hết người này đến người kia. Tâm lý này là gì? Không bàn sâu vào chuyện này nhưng tôi biết rằng vì thói quen này, dù vô tình dù cố ý đã khiến không ít người bạn ngồi chung bàn lâm vào cảnh éo le ghê gớm. Mà thói quen ấy, chẳng hay hướm gì.

Có lần cô bạn đồng nghiệp cùng tôi bảo: “Lần sau anh đừng có bù khú chung với anh Thiều nữa nhá”. Tôi ngạc nhiên, vì trong quan hệ ở công ty giữa chúng tôi vẫn là bạn bè với nhau, thậm chí còn thân thiết nữa là khác. Sao nay lại nghe cô “cảnh báo” điều đó? Tôi ngạc nhiên và gặng hỏi, mãi lát sau, cô mới kể: “Anh có rơi vào tình huống này chưa? Lúc em đang đi ăn với gia đình bên chồng thì anh Thiều gọi điện thoại đến. Đang trò chuyện với bố mẹ chồng nên em không nghe, tắt máy. Nhưng anh ấy lại gọi, chắc là có chuyện gì quan trọng nên mới gọi nhiều lần. Vậy là em tranh thủ nghe máy”. Nghe cô kể tiếp, tôi mới thấy gay go vì Thiều chuyển điện thoại cô nói chuyện với Y. Sau khi chia tay với Y, cô đã đổi số điện thoại, không muốn kéo dài nhì nhằng gì nữa vì mình “ván đã đóng thuyền”. Nay không ngờ, Thiều lại chuyển máy cho Y. Được gặp lại người cũ, Y tha hồ tuôn ra bao nhiêu lời yêu thương da diết. Chà, chồng ngồi một bên, mẹ chồng ngồi một bên liệu họ có nghe rõ những lời lảm nhảm của kẻ thất tình lúc say đang oang oang? Nếu tắt điện thoại cái rụp, e mất mặt Y nhưng vẫn nghe thì chuyện hay ho gì sẽ xảy ra?

Có thể Thiều chẳng phải “thọc gậy bánh xe”, chỉ bấm điện thoại đưa cho Y nhằm ngụ ý mình có quen với cô. Ừ, thì cứ cho là thế, nhưng sự sốt sắng quá mức ấy vô tình khiến người khác phiền lòng là vậy. Đẩy họ vào tình huống chẳng ra làm sao. “Thế thì, sau bận đó, bạn có nói gì để anh Thiều rút kinh nghiệm không?”, nghe tôi hỏi, cô trả lời gọn gàng: “Em chặn số máy đó rồi”. Thế đấy, dù chỉ vô tình thôi nhưng rồi không khéo lại mất bạn, đã thế, lại còn mang tiếng hay thày lay chuyện thiên hạ.

Những tình huống này, có thể không gì ác ý, chỉ cho nhộn bàn nhậu, làm vui bạn bè trong lúc say, thiếu kiểm soát. Nhưng rồi lúc vợ chồng người ta gây nhau vì hiểu nhầm, mình có lỗi gì không? Sự phiền toái ấy đúng là “trên trời ập xuống” cũng chỉ vì thói thày lay mà ra. Mới đây khi gặp lại  người bạn cũ, tôi hỏi đùa: “Sao, dạo này bà xã có còn đãi món ăn ngon nữa không?”. Hắn ta xụi lơ: Tớ đã xóa X ra khỏi danh sách bạn nhậu rồi. Không khéo có ngày “cháy nhà” như chơi. Phòng ngừa trước vẫn tốt hơn chứ? Tôi gật gù đồng tình.

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.