Thắng Nhất là “thuyền” đứng đầu của xứ Vũng Tàu, được hình thành từ đầu thế kỷ XIX, thời vua Gia Long, triều Nguyễn. Trải qua hơn 2 thế kỷ, ngôi làng này đã phát triển thành một trong những vùng đô thị sầm uất của TP. Vũng Tàu.
Vũng Tàu đầu thế kỷ XX (ảnh tư liệu). |
Thuyền Thắng Nhất tức là làng Thắng Nhất trong sách “Địa bạ triều Nguyễn” của Nguyễn Đình Đầu được mô tả như sau: “Thắng Nhất thuyền ở xứ Rạch Dừa, Đông giáp Phước Tỉnh (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền ngày nay) có động cát làm giới. Tây giáp sông lớn, giáp địa phận thuyền Thắng Nhì, có Giếng Me làm giới. Đất có gò đồi, trong đó mồ mả 1 khoảnh. Rừng hoang 1 khoảnh”.
Địa giới làng Thắng Nhất xưa, nay thuộc một phần của các phường: 9, 10, 11, 12, Nguyễn An Ninh, Rạch Dừa, Thắng Nhất. Phía Đông giáp sông Cửa Lấp, phía bên bờ bên kia là xã Phước Tỉnh, phía Nam những dải cồn cát hiện nay vẫn còn trải dài từ Cửa Lấp (phường 12) đến khu vực bãi tắm Chí Linh (phường 10)… Phía Bắc là sông Rạch Dừa giao với sông Cỏ May, sông Dinh đổ ra phía Tây (vịnh Ghềnh Rái). Dấu tích lịch sử văn hóa xưa nhất của làng Thắng Nhất còn đến ngày nay là khu quần thể di tích lịch sử văn hóa Đình Thắng Nhất - Lăng Ông Nam Hải - Miếu Bà Ngũ hành nương nương… Đình thần Thắng Nhất được xây dựng vào năm 1822. Tại ngôi Tiền hiền của đình thần có đặt ban thờ những bậc tiền nhân có công mở ấp lập làng, trong đó có bậc tiền bối Phạm Văn Dinh.
Vào cuối thế kỷ XIX, đời sống kinh tế của những người dân làng Thắng Nhất được miêu tả trong sách chuyên khảo của người Pháp như sau: “Họ chỉ trồng ít lúa trên các rẻo đất hẹp quanh bưng bàu, bên cạnh nghề đánh bắt cá là chính nhưng không phát triển như làng cá Phước Hải (Đất Đỏ) vì thiếu kinh nghiệm và phương tiện ra khơi. Người dân trồng tỉa một ít khoai đậu trên những mảnh ruộng gầy. Ngoài ra, họ còn bắt những con sò, con hàu ăn trên những tảng đá ven biển… Tại làng Thắng Nhất bấy giờ có 8ha ruộng muối, được khai thác từ năm 1899…”.
Đến thời kỳ trước năm 1975, Thắng Nhất có các khóm sau: Phương Hoa, Thủy Giang, Xâm Bồ, Nam Đồng, Cư Hiệp. Người dân ở đây chủ yếu làm rẫy trồng cây ăn trái như: nhãn, mãng cầu và làm nghề chài lưới, hầm than, hầm vôi, đóng đồ gỗ trang trí nội thất… Tại Rạch Dừa có bến tàu đưa đón khách đi từ Vũng Tàu đến Sài Gòn rất tấp nập và trở thành bến cảng lớn của miền Nam bấy giờ.
Nét đặc trưng cơ bản của làng Thắng Nhất xưa là phát triển cảng cá, vì Thắng Nhất nằm kề bên sông Rạch Dừa, đổ ra vịnh Ghềnh Rái nên có điều kiện phát triển hệ thống cảng biển. Trong Vũng Tàu xưa, tác giả Huỳnh Minh cho biết: “Thắng Nhất sau này hoàn toàn đổi mới về mọi mặt, đồng bào đến đây cư ngụ rất đông, nhất là đồng bào di cư (từ năm 1954) về cất nhà dọc theo lộ 17 (nay là đường 30/4), hai bên phố xá dính liền nhau chợ búa nhóm họp tối ngày. Nhiều quán mọc lên bán thức ăn, đồ giải khát sinh họat có vẻ huyên náo…”.
Tại khu vực Thắng Nhất còn ghi dấu những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Rạng sáng ngày 29/4, tại cảng Rạch Dừa, bộ đội đặc công A.32 đã dùng mìn, bí mật đánh chìm tàu chở hàng quân sự 10.000 tấn, làm chấn động tuyến phòng thủ sông Dinh và lộ 15 (nay là đường 30/4) và trận đánh phục kích của Đại đội 62 (Sư đoàn Sao Vàng) đã bắn cháy 2 xe tăng và 1 xe bọc thép của địch trên đường tháo chạy trong trận đánh Phước Thành vào ngày 29/4/1975. Hiện nay, tại đây chính quyền TP. Vũng Tàu đã xây dựng tượng đài chiến thắng tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh này…
(Còn nữa)
NGUYỄN VĂN TÂM