Tiết kiệm chi tiêu trong thời dịch
Covid 19 đã hoành hành và làm xáo trộn cuộc sống bình thường của chúng ta bốn tháng rồi. Chỉ trong một thời gian ngắn thôi, con virus mang hình trái cầu gai ấy đã làm thay đổi mọi thứ từ sự phát triển của một quốc gia cho đến thói quen, nếp sống của từng cá nhân, gia đình.
Nhà tôi đông anh chị em. Tuy không phải tất cả đều thành đạt, nhưng ai cũng có cuộc sống, gia đình, công việc ổn định. Bố mẹ tôi đều là cán bộ, công chức nghỉ hưu. Như phần đông những người già, bố mẹ tôi rất ngại ra khỏi nhà và luôn muốn cùng con cháu quây quần. Thế nên lễ, tết cuối tuần nào, nhà tôi cũng tụ tập ăn uống. Tấp nập, đông vui. Do khẩu vị mỗi người mỗi khác, người thích thịt, người thích cá, người muốn ăn lẩu, người đòi ăn nướng. Thế nên đương nhiên phải làm nhiều món. Thường thì mấy anh chị em tôi mỗi người góp một món. Người con gà, con vịt, người ký cá, ký tôm. Thêm một vài người bạn của người này người kia, thêm thùng bia, chai rượu, thế là mâm cơm thành mâm cỗ, bàn ăn thành bàn tiệc. Thường đã là tiệc thì không thể thiếu, ít hay đủ được, nó phải dư, phải thừa, phải tràn trề, ê hề, bất kể chuyện sau đó đồ ăn sẽ phải đổ bỏ hay dùng lại cả tuần. Nhiều lần nhìn bàn ăn còn dư quá nhiều thứ, nhất là những món canh, xào, gỏi, tôi đã nhắc khéo mọi người rút kinh nghiệm bữa sau nhưng thường mọi người vẫn cứ thích thì làm, nấu cho ngon, bày biện cho đẹp còn chụp hình up “phây”. Nói nữa lại đâm mất vui. Thế là bữa cơm nào nhà tôi cũng phí phạm đồ ăn.
Từ khi Covid 19 xuất hiện. Thế giới rơi vào cuộc đại chiến không tiếng súng. Gần bốn triệu người nhiễm bệnh. Hơn hai trăm năm mươi ngàn người chết và con số này vẫn còn tiếp tục gia tăng. Hàng trăm quốc gia buộc phải đóng cửa biên giới, cách ly xã hội. Hàng triệu công ty, xí nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng trăm triệu người đối diện với nguy cơ thất nghiệp, mất thu nhập. Việt Nam do sớm có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nên kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên không phải vì thế mà không chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh. Nhiều công ty, xí nghiệp phá sản phải sa thải công nhân viên. Các nhà hàng, khách sạn hầu hết phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Hàng chục triệu lao động mất việc, giảm sâu thu nhập, rơi vào cảnh khó khăn, đứt bữa. Dù đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ và các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm nhưng cuộc sống của họ cũng như tất cả chúng ta chắc chắn còn lâu mới trở lại bình thường. Chứng kiến cảnh một người nghèo mừng rơi nước mắt khi nhận được phần quà hỗ trợ là vài ký gạo, tôi lại nhớ đến những bữa tiệc đông người trước đây. Do khó đo đếm được chính xác số người tham dự nên thường dư thừa khá nhiều suất ăn. Những bàn ăn còn nguyên vẹn đó đôi khi bị trút bỏ không thương tiếc vào những thùng chứa đồ dư cuối mỗi bữa tiệc. Thật lãng phí biết bao.
Việc tụ tập ăn uống ở nhà tôi, thời gian gần đây tuy vẫn diễn ra nhưng chỉ hạn chế giữa những người trong gia đình và khi tôi trưng tấm hình những người nghèo xếp hàng đợi lấy gạo và nhắc lại câu danh ngôn “Trên bàn tiệc có nhiều thức ăn dư, ngoài đường sẽ có thêm nhiều người đói khổ” thì thay vì câu “ có đáng gì” trước đây, mọi người đều lẳng lặng giảm bớt lượng thực phẩm chế biến món ăn lại cho phù hợp. Như vậy vừa tiết kiệm vừa giữ dáng vì đỡ phải ăn cố. Số tiền mua nguyên liệu dôi dư ra đó sẽ dùng để nhắn tin ủng hộ người nghèo. “Miếng khi đói bằng gói khi no”, vài quả trứng, gói mì, ký gạo cũng vô cùng đáng quý vào lúc khó khăn này. Tiết kiệm như vậy vừa tạo được phúc vừa đảm bảo được sức khỏe cho mình chẳng tốt sao.
Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Thế nhưng chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn thì chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai và các thảm họa khác cũng vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Hi vọng rằng khi dịch bệnh qua đi những thói quen, cách nghĩ tích cực thời dịch bệnh vẫn còn ở lại.
AN AN