.

Những mùa dâu ngọt mát

Cập nhật: 20:44, 22/05/2020 (GMT+7)

Sau kì nắng hạn kéo dài, cuối cùng những đám mưa đầu mùa cũng đổ xuống miệt sông Tiền, sông Hậu. Đó cũng là lúc dâu da ngọt dần, sắp sửa đến mùa thu hoạch. Dâu miền Tây nhiều vô kể, dâu Hạ Châu đất Phong Điền vỏ mỏng gọi mời vị giác khách bốn phương; dâu Cái Tàu miệt Cà Mau tận cùng Tổ quốc múi no tròn, da căng bóng như da người con gái dậy thì… nồng nàn hương vị.

Vườn dâu của nông dân miền Tây trở thành điểm du lịch,  thu hút nhiều khách đến tham quan.
Vườn dâu của nông dân miền Tây trở thành điểm du lịch, thu hút nhiều khách đến tham quan.

Tôi yêu những mùa dâu quê tôi. Độ tháng tư, tháng năm, tháng sáu, khi trời dịu dần sắp sửa bước vào kì mưa dầm là lúc dâu đất chuyển sang màu vàng chín ngọt. Dâu quê tôi có loại vỏ xanh, có loại vỏ vàng, loại nào cũng ngon, cũng đẹp, cũng mang trong mình một dư vị rất riêng. Dâu ngấm phù sa sông nước hồn hậu mà nuôi lớn thân mình, từng chùm trĩu nặng, trái sai.

Mùa dâu gợi lại trong tôi nhiều kỉ niệm. Về khu vườn nhỏ an lành giữa mênh mông sông nước phù sa, về bà, về má, về đám trẻ miền quê chẳng biết đợi chờ gì ngoài những mùa quả ngọt làm vui. Tôi về quê đúng ngay mùa dâu chín. Trong làng bấy giờ chỉ còn mỗi vườn dâu ông Tấn là sai trái, những vườn dâu khác đã bị đốn hạ, vỡ đất làm ruộng, nuôi tôm cả rồi. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta đốn dâu vỡ đất. Có đợt nước mặn tràn vào, dâu đỏ lá, trái “lép”, dần dần thì những cây dâu chết sạch. Người làng đành đốn hết đi. Tôi nhớ những nhát búa đầu tiên ông tôi chặt vào thân cây dâu tôi hay ngồi dưới bóng mát chơi đồ hàng, tôi đã bật khóc. Má tôi dỗ dành, bảo dâu không thể ra trái được nữa, giữ lại làm gì cho chật đất. Tôi xót xa. Ông tôi đứng nhìn vườn dâu đang dần đỏ lá, héo úa, thở dài buồn bã.

Ngày nhỏ, chúng tôi cứ mãi trông đợi một mùa dâu. Dâu chín, đám con nít chúng tôi rủ nhau ra vườn vừa chơi trò trốn tìm dưới gốc dâu, vừa hái dâu ăn thỏa thích. Trong làng có nhiều vườn dâu, duy chỉ có vườn dâu nhà ông tôi là to và nhiều loại dâu nhất. Bởi vậy mà trẻ con thích. Ba bốn đứa túm tụm nhau dưới gốc cây, khoe nhau chùm dâu dài và nhiều trái nhất rồi cùng cười rôm rả. Khi tự cảm nhận tiếng cười mình to quá, tôi đưa tay lên miệng ra hiệu: “Suỵt”. Tôi sợ má la. Không phải vì má tiếc mấy trái dâu mà má sợ chúng tôi “ăn dâu chua, uống nước hong tênh coi chừng Tào Tháo rượt”…

Rồi có những ngày tôi với bà chở dâu đi bán. Thương lái vào vườn hái và cân phần nhiều, số dâu còn sót lại thì tôi với nội chắt mót, phần cho làng xóm, phần chở bằng xuồng đi rong kinh bán cho người khác. Trên chiếc xuồng con, nội ngồi phía sau bơi xuồng, tôi ngồi trước mũi xuồng vọc nước. Thi thoảng nội tôi rao, giọng trìu mến: “Ai mua dâu hông. Dâu xanh, dâu vàng ngọt tận ruột gan đây”. Tiếng nội kéo dài, vọng trên mặt sông năm cũ. Tiền bán dâu chẳng được bao nhiêu bởi nội tôi thảo lắm, vừa bán, vừa cho. Nhưng nó cũng đủ để mua gạo, muối, nước mắm,… để chái bếp thêm phần ấm cúng. Mùa dâu song song cùng mùa mưa. Mưa tầm tã là dâu càng ngọt lịm.

Thế rồi mùa dâu đi qua, mùa kí ức cũng bay xa…

Tôi lên thành phố khi vườn dâu đã không còn nữa. Nhịp sống hối hả cũng khiến tôi quên đi cái kí ức tủn mủn năm nào. Vậy rồi một hôm tôi bắt gặp bà cụ ngồi bán dâu bên góc đường, tôi thấy bà cụ sao giống nội tôi quá, sao hiền từ và mến thương quá đỗi. Tự dưng tôi khóc, khóc rưng rức. Tôi nhận chùm dâu từ tay cụ mà ngỡ nhận từ đôi tay dung dị của bà nội thân yêu của tôi. Tôi thầm gọi nội ơi, gọi mùa dâu xưa, gọi những cơn mưa đầu mùa làm tan hơi nóng, gọi kí ức ùa về trong những yêu thương bỏ lỡ. Ngày xưa của tôi. Những mùa dâu ngọt mát tâm hồn…

KHÁNH DUY

 
.
.
.