Nhớ vợ đến phát ghen
Cứ mỗi lần chị Phượng đi công tác xa nhà một tuần, một tháng, ông xã chị như ngồi trên đống lửa, lo lắng trăm bề. Đó là quãng thời gian dài vô tận, càng trông càng mịt mờ. Quang- chồng chị Phượng, quá yêu vợ nên không nỡ xa bà xã dù chỉ một ngày. Có khi vợ đi làm về muộn vài giờ là Quang đứng ngồi không yên, gọi điện liên tục. Khi vợ đi xa, ôi thôi, lúc tối, Phượng - vợ Quang nhận biết bao nhiêu cuộc gọi, tin nhắn từ Quang.
Chuyện xảy ra thường trực mà họ không thấy nhàm. Cũng phải thôi, bởi họ là đôi vợ chồng son mà. Cái gì mới cũng đẹp, lãng mạn, dễ thương như chuyện thần tiên, cổ tích. Và càng bền vững hơn nếu như hai người biết vai, trách nhiệm của mình và cảm thông cho bạn đời. Họ lãng mạn quá, đến nỗi chị bạn đi công tác chung với Phượng phải ganh tị thốt lên: “Chồng chị mà được phân nửa chồng em thì hay biết mấy. Đi xa, ông ấy chỉ gọi qua loa vài câu lấy lệ, để khỏi bị mang tiếng thờ ơ, rồi thôi. Chán lắm!”. Nghe thế vợ Quang cười mỉm và lấy làm tự hào vì chồng mình yêu thương, quan tâm vợ hết mực. Biết chồng cưng, đôi khi Phượng còn thử chồng, cố tình im ru không nhắn tin hồi âm. Khỏi phải nói, Quang đứng ngồi không yên, gọi muốn cháy sim.
Nghề dược, phân phối thuốc, phải đi công tác suốt nên trung bình một năm Phượng ở nhà chỉ được 6 tháng. Thoạt đầu, lẽ ra sếp không cử Phượng đi, nhưng vì Phượng làm được việc, hoạt bát, khách hàng rất mến. Khâu giới thiệu sản phẩm rất là quan trọng, lưỡng lự mãi sếp mới cử Phượng đi công tác. Nhớ hôm sinh nhật vợ, Quang có nói đùa với sếp của Phượng rằng: “Sếp cứ cử vợ em đi hoài, không khéo em mất cô ấy quá!”. Câu bông đùa ấy đã khiến sếp suy nghĩ. Sếp là người hiểu chuyện, thấy Quang và Phượng là vợ chồng son, cứ cho vợ chồng người ta xa nhau hoài thật không phải. Cho nên sếp đang cân nhắc cho kế hoạch sắp tới, là “bốc” Phượng qua mảng phân phối tại thành phố để tối có thể về với chồng.
Tất nhiên có vợ đẹp, xa nhà suốt ai chẳng lo chứ. Đàn ông nào mà không ghen bâng quơ, có chăng họ biểu lộ bên ngoài hoặc che đậy trong tim mà thôi. Nhiều lần Quang đề nghị vợ nghỉ làm, chỉ ở nhà nội trợ nhưng Phượng không chịu. Vốn có tính linh hoạt, năng nổ, không muốn lệ thuộc vào tài chính của chồng nên Phượng muốn làm gì đó thể hiện bản lĩnh của mình. Chứ thật ra, dù Phượng có ở không cả đời thì Quang cũng nuôi nổi. Bởi lẽ gia đình anh có một hệ thống showroom ô tô, lo gì chết đói. Nhưng do tôn trọng ý kiến của vợ nên Quang không muốn làm Phượng buồn.
Lần gần đây nhất, Phượng đi công tác tỉnh xa. Nguyên ngày hôm đó Phượng không gọi về cho chồng cũng như chẳng nhắn tin. Đã thế, khi Quang gọi lại thì điện thoại nghe rồi tắt. Rất nhiều lần như thế, Quang lo lắng kèm theo nỗi nghi ngờ, bực dọc. Trong phút không kiềm chế, Quang bực mình gọi cho sếp Phượng và nói những câu khó nghe. Vốn cả nể gia đình nhà Quang nên sếp liên lạc với các nhân viên đi công tác cùng Mọi người cũng không ai liên lạc được với Phượng. Bởi do buổi trưa, các nhân viên chia nhau đi đến đại lý thuốc nên không gặp mặt. Chỉ đến tối mới về khách sạn ngủ chung. Lúc này, Quang quá sốt ruột, chạy đến công ty của vợ làm ầm lên, cho rằng sếp vô tâm với nhân viên, không kiểm soát nhân viên mình đang làm gì. Sau cơn giận dữ, Quang lái xe xuống tỉnh tìm vợ.
Tối hôm ấy, tại khách sạn, hai vợ chồng có một trận cãi vã kịch liệt. Quang không để Phượng giải thích, cứ quy chụp vợ hẹn hò với ai đó nên không thèm nghe máy, lại có giọng đàn ông lên tiếng rồi tắt nguồn. “Cô đang ở đâu, với thằng nào? Khách sạn ư? Dám qua mặt, lừa dối tôi. Những lời ngọt ngào xảo trá”, Quang rít lên. Phượng chỉ biết bưng mặt khóc. Các chị cùng phòng xoa dịu, giãi bày cặn kẽ rằng Phượng bị giật điện thoại khi đang nhắn tin cho Quang. Sau một hồi ngồi tự vấn, suy ngẫm, Quang vội xin lỗi vợ. Câu chuyện chỉ đơn giản như thế nhưng vì Quang quá nhớ, quá thương vợ nên mới xảy ra cơ sự. Về phần Phượng, cô không phải là người nhỏ nhen ích kỷ nên bỏ qua tất cả. Hai vợ chồng làm hòa.
Sau sự cố đó, sếp của Phượng điều cô về thành phố để cho vợ chồng được gần gũi. Còn Quang, từ đó rút kinh nghiệm, không còn hành động lỗ mãng như thế với vợ của mình.
THÁI HỌC