.

Độc đáo họa tiết tứ linh trên cặp ngà voi tại Bạch Dinh

Cập nhật: 21:26, 05/05/2020 (GMT+7)

Bên cạnh kiến trúc độc đáo, khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, di tích Bạch Dinh còn là nơi trưng bày nhiều cổ vật quý gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử, trong đó phải kể đến họa tiết tứ linh trên chân đế cặp ngà voi, được đặt ngay nơi trang trọng nhất của chính điện khánh tiết.

Du khách thăm quan cặp ngà voi trên bệ đỡ tứ linh được trưng bày tại điện Khánh tiết di tích Bạch Dinh (Số 4, đường Trần Phú, Phường 1, TP.Vũng Tàu).
Du khách tham quan cặp ngà voi trên bệ đỡ tứ linh được trưng bày tại điện Khánh tiết di tích Bạch Dinh (Số 4, đường Trần Phú, Phường 1, TP.Vũng Tàu).

Theo đánh giá của các chuyên gia, cặp ngà voi trưng bày tại gian khánh tiết của di tích Bạch Dinh là một trong những cặp ngà quý hiếm, hội tụ được đầy đủ những yếu tố điển hình còn lưu giữ được tới ngày nay. Tư liệu tại di tích Bạch Dinh cho thấy, cặp ngà voi có xuất xứ từ giống voi châu Phi, cân nặng 43kg, cao 158cm, màu vàng nhạt, bóng mịn. Cặp ngà cân đối, cong hình ô van khi khép lại và hiện vật lại càng ấn tượng khi được đặt trên bệ bằng gỗ gụ sơn màu đen, chạm trổ công phu hình tượng tứ linh, gồm: Long, Ly, Quy, Phụng. Họa tiết được chạm trổ tinh xảo và vô cùng độc đáo. Theo đó, họa tiết tứ linh trên chân đế được điêu khắc 2 mặt với hình ảnh 2 con rồng uốn lượn hòa quyện vào nhau, miệng mỗi con ngậm 1 chiếc ngà voi tạo nên hình ảnh vô cùng uy lực, độc đáo và đẹp mắt. 

Sở dĩ bệ đỡ cặp ngà voi được điêu khắc hình tượng tứ linh bởi theo quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, Long, Ly, Quy, Phụng là những linh vật có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của con người. Tứ linh là biểu trưng của vẻ đẹp cao sang, phú quý, đồng thời cũng là vật phẩm có giá trị phong thủy cao, đem lại nhiều lợi ích cho người chủ. Tứ linh tượng trưng cho đất trời, là hiện thân của 4 nguyên tố quan trọng: đất, nước, gió và lửa. Hình tượng tứ linh được sử dụng và khắc họa khá phổ biến trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam từ kinh đô, đền chùa cho đến nhà dân như một hiện trạng sống động của 4 linh vật này trong tâm thức người Việt.

Bà Võ Thị Mai Hoa, Quyền Trưởng phòng Quản lý và Phát huy di tích tỉnh, cho biết: "Họa tiết tứ linh trên cặp ngà voi tại Bạch Dinh là một trong nhưng cổ vật độc đáo mang ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh của người Việt. Đây được xem là một trong những vật chứng lịch sử, gắn liền với di tích Bạch Dinh, chứng kiến những thăng trầm lịch sử qua các thời kỳ của nơi đây".

Ngày nay, ngoài những cổ vật quý của di tích như bộ bàn ghế niên hiệu Khải Định, Tân Dậu (1921), đôi song bình Bách Điểu chầu phụng đời nhà Thanh (Trung Hoa), bộ Tam Đa ngũ thái của gốm sứ Bát Tràng thế kỷ XIX. Cặp ngà voi trên bệ đỡ tứ linh đã góp phần làm nên linh hồn cho di tích Bạch Dinh, là một trong những nét văn hóa nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cội nguồn, là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước khi tới thăm quan BR-VT.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

 

 

.
.
.