Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ "dễ thở"

Thứ Ba, 12/05/2020, 20:50 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo 9 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020. Đây là căn cứ quan trọng, nhằm định hướng cho các trường THPT, TTGDTX xây dựng ma trận đề, tổ chức ôn tập cho HS lớp 12. Nhận định chung của GV các bộ môn cho thấy, khoanh vùng kiến thức trong đề thi tham khảo lần này “dễ thở” hơn với học sinh.

HS lớp 12A1, Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) trong tiết Sinh học.
HS lớp 12A1, Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) trong tiết Sinh học.

BÁM SÁT KIẾN THỨC CƠ BẢN

Đánh giá đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT, phần lớn GV cho rằng, so với đề tham khảo công bố hồi tháng 4, đề thi lần này thu hẹp khoảng cách giữa mức độ căn bản và nâng cao, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT.

Thầy Hồ Sĩ Nhật Nam, GV Toán, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) cho rằng, đề thi lần này có tới 80% là kiến thức căn bản, chỉ có 20% kiến thức nâng cao (trong khi tỷ lệ này ở đề tham khảo công bố trước đó lần lượt là 70/30%). Nội dung kiến thức đề tham khảo của kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và chủ yếu tập trung ở học kỳ 1. Những câu vận dụng cao cũng nằm ở phần kiến thức này. Kiến thức của học kỳ 2 cũng được đưa vào đề nhưng là những câu hỏi ở mức độ vận dụng thấp trở xuống. Theo thầy Nam, đề thi tham khảo lần này hoàn toàn phù hợp với mục đích của kỳ thi và việc HS phải nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh. Tuy nhiên, thầy Nam cũng nhấn mạnh, đề tham khảo tuy dễ hơn nhưng cũng có độ phân hóa nhất định nên sẽ không xảy ra tình trạng “mưa điểm 10”.

Là GV bộ môn Ngữ văn có thâm niên ôn thi lớp 12, cô Trần Thị Minh, GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Vũng Tàu) nhận định, đề thi tham khảo tốt nghiệp môn Ngữ văn không thay đổi nhiều về cấu trúc, nội dung, dạng đề. Đề ở mức độ vừa phải, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp nhưng độ phân hóa không cao nên nhiều khả năng sẽ làm khó các trường ĐH tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi. Nội dung đề thi gói gọn trong chương trình tinh giản mà Bộ GD-ĐT vừa công bố. Đặc biệt, câu 5 điểm của phần làm văn chỉ yêu cầu phân tích một đoạn thơ tiêu biểu trong chương trình. Đây là dạng đề cơ bản, ít gây khó khăn cho thí sinh.

Đối với đề thi môn tiếng Anh, cô Trần Thị Thu, Tổ phó bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) cho rằng, đề thi dễ hơn so với đề tham khảo đã công bố trước đó. Trong đó, khoảng 70% kiến thức cơ bản và 30% kiến thức nâng cao. Với đề thi này, HS trung bình có thể đạt 5-6 điểm, HS giỏi, xuất sắc có thể đạt 9-10 điểm. Để đạt điểm cao, HS phải làm tốt phần kiến thức ngôn ngữ, tập trung ở 3 bài đọc - hiểu. Cả 3 bài đọc - hiểu đều có chủ đề rất hay, thời sự và gần gũi với cuộc sống như: COVID-19, việc sử dụng điện thoại, tái chế. Phần từ vựng và ngữ pháp của đề tương đối dễ và bám sát chương trình. Đa số các câu hỏi trong phần này thuộc kiến thức lớp 12, có một số ít câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11.

Thầy Phan Ngọc Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết, căn cứ đề tham khảo của Bộ GD-ĐT, nhà trường đã yêu cầu các tổ bộ môn đánh giá, xây dựng ma trận đề và điều chỉnh đề cương giảng dạy cho phù hợp. Bên cạnh đó, kế hoạch giảng dạy của nhà trường cũng bám sát chương trình tinh giản của Bộ. Theo thầy Tấn, giai đoạn này, GV bộ môn vừa rà soát kiến thức, dạy bài mới vừa ôn tập kiến thức cho HS trên cơ sở đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT vừa công bố. Còn với các môn không thi tốt nghiệp, nhà trường tập trung giảng dạy kiến thức trọng tâm để giảm áp lực cho HS và giúp các em tập trung toàn lực cho kỳ thi sắp tới.Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các nhà trường đã điều chỉnh nội dung, chương trình ôn tập.

HS lớp 12C4, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Vũng Tàu) trong tiết học Vật lý.
HS lớp 12C4, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Vũng Tàu) trong tiết học Vật lý.

ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH ÔN TẬP

Theo thầy Tấn, do yêu cầu của việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, hiện nay, Trường THPT Trần Nguyên Hãn mới triển khai dạy học 1 buổi với thời lượng môn Toán 5 tiết/tuần, Ngữ văn, tiếng Anh 4 tiết/tuần, các môn thi còn lại từ 2-3 tiết/tuần. Khi được Sở GD-ĐT cho phép tổ chức dạy phụ đạo trở lại, nhà trường sẽ tăng thêm 12 tiết cho 6 môn thi vào 3 buổi chiều/tuần. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Ban Giám hiệu nhà trường và các tổ bộ môn sẽ điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, để có thể dành ít nhất 10-11 tuần cho HS tập trung ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời hoàn thành chương trình chính khóa và kết thúc năm học trước ngày 15/7.

HS lớp 12C9, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
HS lớp 12C9, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Thầy Hồ Sĩ Nhật Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình cho hay, nhà trường dành khoảng 2 tuần sau khi HS đi học lại để GV các bộ môn thi tốt nghiệp ôn lại kiến thức đã được giảng dạy trực tuyến, “lấp đầy” lỗ hổng kiến thức cho HS. Sau đó, nhà trường mới tiến hành dạy bài mới và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em. Trước mắt, nhà trường chỉ giảng dạy chính khóa 1 buổi/ngày. Dự kiến, đến cuối tháng 5, Trường THPT Hòa Bình sẽ duy trì song song hai hình thức giảng dạy trực tiếp và trực tuyến cho các môn thi tốt nghiệp. Nội dung giảng dạy bám sát kiến thức căn bản theo định hướng của đề tham khảo. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường sẽ phân loại HS để có phương án giảng dạy, ôn tập phù hợp. Với HS khá, giỏi, GV bộ môn sẽ củng cố thêm kiến thức nâng cao, giúp các em đạt kết quả tốt khi xét tuyển ĐH. Còn với HS yếu, nhà trường sẽ tổ chức lớp phụ đạo miễn phí riêng cho các em, trước hết giúp các em đạt mục tiêu đậu tốt nghiệp THPT.

Xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện thực tiễn
Khi HS đi học trở lại, Sở GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng cùng tổ trưởng chuyên môn các trường THPT, TTGDTX căn cứ điều kiện thực tiễn của từng trường để thống nhất kế hoạch dạy học. Các nhà trường cần kết hợp giữa dạy học qua Internet, học trên truyền hình với dạy học trực tiếp. GV bộ môn sử dụng các phần mềm, ứng dụng như: Zalo, Gmail, VnEdu… để giao nhiệm vụ học tập, hệ thống câu hỏi ôn tập, hệ thống kiến thức cho HS để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình, bảo đảm kết thúc năm học trước ngày 15/7.
(Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

;
.