Bảo vệ trẻ trước những "mối nguy"
Trước thực trạng nạn xâm hại trẻ em (XHTE) vẫn còn phức tạp, đòi hỏi công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Một chương trình tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy, xâm hại trẻ em do Hội đồng Đội TP.Vũng Tàu cùng Công an TP. Vũng Tàu tổ chức tại Trường TH Thắng Nhì. |
NGUY CƠ TỪ NGƯỜI THÂN QUEN
Sau gần 1 tháng vụ việc Hoàng Minh Trung (SN 1991, ngụ xã Xuyên Mộc) bị bắt giam do hành vi hiếp dâm cháu ruột là H.T.T (SN 2004), người dân xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc vẫn chưa hết bàng hoàng.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Đ.M.Th. (mẹ cháu T., ngụ xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) cho biết, vợ chồng chị ly hôn khi cháu T. còn nhỏ. Tuy vậy, T. vẫn thường đến nhà bà nội chơi. Khoảng tháng 10/2016, khi đến nhà bà nội, T. đã bị Trung hiếp dâm (Trung là chú ruột T., ở chung nhà với bà nội T.). Từ đó đến tháng 4/2017, Trung nhiều lần thực hiện hành vi đồi bại với cháu ruột của mình. Trưa 20/4/2017, Trung đến nhà T. chơi và tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại với T. thì bị phát hiện. Mẹ T. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, sau đó Trung đã trốn khỏi nơi cư trú và đầu tháng 5/2020, Trung đã bị cơ quan công an bắt giữ. “Từ khi xảy ra vụ việc, con tôi thay đổi hoàn toàn. Từ một đứa trẻ vui vẻ, hồn nhiên, cháu luôn né tránh người xung quanh. Cháu chỉ thích chơi một mình và sống khép kín. Gần đây, cháu đã xin mẹ lên TP. Hồ Chí Minh học nghề làm tóc với chị gái tôi để tránh mặt người quen. Tôi nào nghĩ phải đề phòng cả những người thân quen, ruột thịt của cháu”, chị Th. tâm sự.
Câu chuyện của T. chỉ là một trong số hàng trăm vụ việc XHTE xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến ngày 14/2/2020 trên địa bàn tỉnh xảy ra 345 vụ với 371 trẻ bị xâm hại, trong đó có 189 vụ với 193 trẻ em bị XHTD. Đáng chú ý, số vụ XHTDTE lại có xu hướng gia tăng: năm 2015 có 29 vụ; năm 2016 là 31 vụ; năm 2017 xảy ra 38 vụ; năm 2019 có 50 vụ. Một thống kê khác cũng chỉ ra 117 vụ XHTDTE là người ruột thịt, thân thích, 218 đối tượng là người quen, chỉ có 10 đối tượng là người lạ.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mô hình “Thành phố, làng quê an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” sẽ được triển khai thí điểm trong thời gian tới. Sở LĐTBXH cũng đã có công văn đề nghị các địa phương và các sở, ngành liên quan tăng cường lắp đặt hệ thống camera, đèn chiếu sáng trong thang máy, khu vực công cộng tại các khu chung cư, nhà cao tầng và trong các lớp nhà trẻ, mẫu giáo nhằm giảm thiểu và phòng tránh tình trạng trẻ em bị xâm hại. Mặt khác, Sở sẽ rà soát, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về trẻ em, đổi mới công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật và bảo vệ trẻ em.
(Ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Sở LĐTBXH)
|
CẦN TĂNG NẶNG HÌNH PHẠT
Theo bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH): “Đa phần các vụ XHTDTE do người thân, quen gây ra nên gia đình không có sự phòng ngừa. Điều này dẫn tới việc nhiều đối tượng lợi dụng sự sơ hở để tiếp cận, ép buộc, đe dọa XHTD các em ở lứa tuổi nhỏ. Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị xâm hại. Ngoài ra, trẻ em chưa phát triển hoàn thiện cả về trí tuệ và thể chất nên rất dễ bị đối tượng xấu lừa gạt, dụ dỗ nhằm xâm hại”.
Nhằm giảm thiểu tình trạng XHTE, từ năm 2015 đến nay, Sở LĐTBXH đã tổ chức 16 lớp tập huấn cho gần 2.000 lượt cán bộ làm công tác trẻ em các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn, cùng đội ngũ cộng tác viên về công tác trẻ em. Nội dung tập huấn về Luật Trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống XHTDTE. Sở cũng đã tổ chức 20 lớp tập huấn về kỹ năng phòng, chống bạo lực, XHTDTE và hướng dẫn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị XHTD cho gần 2.700 lượt cán bộ, hội viên và giáo viên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các mô hình hỗ trợ trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình thành phố an toàn cho trẻ…
“Bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức cho phụ huynh, học sinh về phòng tránh XHTE, chúng tôi kiến nghị tăng mức hình phạt đối với các hành vi XHTDTE. Các cơ quan điều tra cần có biện pháp phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi bạo lực, XHTE, các cơ sở, công trình và hộ gia đình gây mất an toàn cho trẻ em”, bà Ngà đề xuất.
Đồng quan điểm, luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, cần sửa đổi, điều chỉnh luật trong việc xác định tội danh, khung hình phạt cho phù hợp, đúng mức và nghiêm khắc hơn đối với tội phạm XHTDTE. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG