.

Cẩn trọng khi mua thực phẩm qua mạng

Cập nhật: 05:57, 26/05/2020 (GMT+7)

Với sự nở rộ của mô hình bán hàng qua mạng, các bà nội trợ chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể đặt mua thực phẩm cho bữa ăn gia đình và sẽ được giao hàng tận nơi. Tuy vậy, hình thức mua hàng này cũng chứa đựng nhiều rủi ro như mặt hàng không rõ nguồn gốc, bảo quản không bảo đảm… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện tại chưa có văn bản nào chỉ đạo việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở bán hàng qua mạng. Trong ảnh: Thành viên Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh trà sữa trên đường Trưng Nhị, TP.Vũng Tàu. (Ảnh minh họa)
Hiện tại chưa có văn bản nào chỉ đạo việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở bán hàng qua mạng. Trong ảnh: Thành viên Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh trà sữa trên đường Trưng Nhị, TP.Vũng Tàu. (Ảnh minh họa)

Chị Đặng Thị Xuân, ở ấp Phước Tấn, xã Tân Hòa (TX. Phú Mỹ) là giáo viên. Hàng ngày, chị luôn bận rộn với việc trường, việc lớp, khi về nhà lại lo chăm sóc con nhỏ. Vì vậy, chị thường xuyên mua thực phẩm chế biến sẵn, bán qua mạng. Theo chị Xuân, thực phẩm chế biến sẵn bán trên mạng giá cả phải chăng, khẩu vị phong phú, lại được giao tận nhà nên rất tiện lợi. “Muốn mua món gì cho bữa ăn, tôi chỉ cần vào Facebook hoặc Zalo là có đầy đủ. Tôi thường mua hàng của người quen nên tin tưởng về chất lượng”, chị Xuân nói.

Còn chị Nguyễn Thị Chi, ở hẻm 171, Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu) thì có thói quen đặt mua các món ăn vặt như: Khô gà lá chanh, trà sữa, bánh tráng trộn qua mạng. Chị Chi cho biết: “Lên mạng, thấy mời chào món ăn hấp dẫn là tôi không thể bỏ qua, kể cả người bán không quen biết. Do vậy món ăn an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của người bán”. 

Trong cuộc sống hiện đại, mua hàng qua mạng đáp ứng nhu cầu của những người bận rộn, không có điều kiện đi chợ hay nấu ăn. Tuy vậy, hình thức mua hàng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Trên thực tế, hầu hết các cơ sở bán thực phẩm chế biến sẵn qua mạng đều là các cơ sở tự phát, theo hộ gia đình và phần lớn là không có giấy phép kinh doanh. Đồng nghĩa với việc khả năng kiểm tra, kiểm soát ATTP bị bỏ ngõ. Chưa kể, một số người kinh doanh qua mạng còn nhập hàng từ các chợ đầu mối rồi bóc tem, mác và nhận hàng do “nhà làm” để lấy lòng tin của khách hàng. 

Bác sĩ Đào Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phân tích, việc mua, bán thực phẩm qua mạng chủ yếu dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm soát việc mua, bán hàng qua mạng còn nhiều bất cập. Khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng rất khó kiện người bán. Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, khi mua hàng, người tiêu dùng không nên đặt hàng với số lượng lớn trong một vài lần đầu. Khách hàng nên chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu; nên chọn các sản phẩm được bày bán ở nơi có đủ điều kiện bảo quản như siêu thị, cửa hàng tiện ích. 

Bên cạnh đó, người mua cần tìm hiểu kỹ các thông tin món hàng muốn mua về chủng loại sản phẩm, thành phần, giá trị dinh dưỡng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể tìm hiểu về cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của thương nhân, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin. Người mua nên vào đúng trang web của cơ sở hoặc trang mạng xã hội của người bán để tìm hiểu thông tin phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm của cơ sở. 

“Người tiêu dùng chỉ nên chọn thực phẩm từ các sơ sản xuất, kinh doanh có uy tín, thương hiệu trên thị trường, với chất lượng sản phẩm được kiểm chứng cùng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp. Những sản phẩm thực phẩm được quảng cáo bắt mắt, nhưng thiếu chứng cứ khoa học, mập mờ về nhãn mác, xuất xứ không rõ ràng, người mua nên tránh xa”, bác sĩ Hà khuyên.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
.
.
.