.

Thầy cô lên "sóng" dạy học trên truyền hình

Cập nhật: 00:06, 06/04/2020 (GMT+7)

Từ ngày 2/4, Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (BRT) phát sóng chương trình “Ôn tập kiến thức phổ thông” cho HS khối 9 và 12. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp HS ôn luyện và củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ do dịch COVID-19.

Cô Nguyễn Thị Thảo Nguyên, GV bộ môn Toán,  Trường THCS Nguyễn An Ninh giảng bài trên sóng tuyền hình BRT.
Cô Nguyễn Thị Thảo Nguyên, GV bộ môn Toán, Trường THCS Nguyễn An Ninh giảng bài trên sóng tuyền hình BRT.

GIÁO VIÊN TÂM HUYẾT

Chương trình “Ôn tập kiến thức phổ thông” không đi vào giảng dạy từng bài cụ thể theo chương trình SGK mà biên soạn thành các chuyên đề quan trọng của các môn Toán, ngữ Văn, tiếng Anh. Từ đó, giúp các em có được “chiếc chìa khóa” đa năng để vận dụng vào những yêu cầu khác nhau. 

Dù đã có gần 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, lại là GV bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi Văn của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhưng với trải nghiệm mới mẻ này, cô Đỗ Thúy Dương cũng cảm thấy “run hơn lần đầu tiên đứng trên bục giảng”. Cô Dương lý giải: “Ngoài hình thức, cách diễn đạt, khi lên truyền hình, GV còn phải đặc biệt chú trọng tới nội dung giảng dạy. Nếu kiến thức sai lệch sẽ ảnh hưởng tới các em HS, tới uy tín chung của ngành giáo dục và cả Đài truyền hình tỉnh chứ không chỉ là uy tín cá nhân”. Không muốn vì áp lực mà biến bài giảng trở nên khô cứng, cô Dương đã tưởng tượng… chiếc máy quay là HS đang ngồi nghe giảng để tạo phong thái tự nhiên, gần gũi. Từ đó, góp phần rút ngắn khoảng cách, đem bài giảng của mình đến gần hơn với HS.

Theo các GV, khó khăn nhất là thời lượng phát sóng chỉ giới hạn 30 phút mà khối lượng kiến thức ôn tập ở học kỳ 1 rất nhiều. Cô Đỗ Thúy Dương phải dành tới 3 ngày để soạn một chuyên đề (dù đã từng dạy nội dung này trên lớp) để giảng vỏn vẹn 30 phút trên sóng truyền hình. “3 ngày liền, mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng 3 tiếng, thức dậy từ 2 giờ sáng để soạn bài. Thời lượng phát sóng của một chuyên đề rất ngắn, đòi hỏi phải chắt lọc những kiến thức cô đọng nhất, kết hợp với hình ảnh để tương tác với HS, đem lại cho các em những kiến thức cần thiết và bổ ích nhất”, cô Dương nói. 

Theo cô Dương, ngoài việc chuẩn hóa, chắt lọc kiến thức, mỗi chuyên đề còn cần có sự phân cấp từ đơn giản đến nâng cao để phục vụ nhiều đối tượng HS, từ GDTX, THPT cho đến HS chuyên và thậm chí là GV bộ môn. Trong 30 phút ngắn ngủi nhưng chứa đựng tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô đứng lớp, Hội đồng bộ môn và cả e-kíp làm chương trình.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thảo Nguyên, GV bộ môn Toán, Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) cho biết thêm, ở lớp, có những nội dung GV có thể yêu cầu HS trình bày trên bảng rồi sửa trực tiếp trên bài làm của HS. Còn với bài giảng trên truyền hình, sau khi đặt ra một vấn đề, GV phải định hướng hoặc tự mình giải quyết vấn đề đó. Do vậy, mỗi bài giảng đòi hỏi sự đầu tư công phu hơn, vừa bảo đảm ngắn gọn nhưng vẫn phải giải quyết được những vấn đề đặt ra. 

Bên cạnh nội dung bài giảng, các GV phải cùng tham gia với các kỹ thuật viên dựng video để có một sản phẩm dễ tiếp thu nhất với HS. Thầy Võ Văn Tuấn, GV bộ môn Anh, Trường THPT Vũng Tàu cũng thông tin thêm, tất cả các chuyên đề đều có sự chung tay góp sức của các thành viên Hội đồng bộ môn cấp tỉnh. Ban đầu, Hội đồng bộ môn bàn bạc, thống nhất chuyên đề giảng dạy, giao nhiệm vụ cho GV soạn theo ý tưởng của mình. Tiếp đó, GV sẽ dạy thử để các thành viên trong Hội đồng góp ý, phản biện, hỗ trợ. Trong và sau khi ghi hình, các thành viên Hội đồng vẫn tiếp tục theo dõi từng chuyên đề, tránh xảy ra sai sót. 

Em Đỗ Hoàng Anh Thư, HS lớp 9.8, Trường THCS Vũng Tàu theo dõi bài giảng môn ngữ Văn trên truyền hình BRT.
Em Đỗ Hoàng Anh Thư, HS lớp 9.8, Trường THCS Vũng Tàu theo dõi bài giảng môn ngữ Văn trên truyền hình BRT.

HỌC SINH THÍCH THÚ

Việc dạy học trên truyền hình hỗ trợ, củng cố kiến thức của HS trong thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt là giúp HS lớp 9 chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021, kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 của lớp 12. Mặc dù mới phát sóng được vài số nhưng chương trình “Ôn tập kiến thức phổ thông” đã nhận được những phản hồi tích cực. Theo dõi chương trình từ những số đầu tiên, em Đỗ Hoàng Anh Thư, HS lớp 9.8, Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) háo hức nói: “Em rất hào hứng với chương trình học trên truyền hình, vì ngoài thời gian học trực tuyến với GV trường mình, em có thể học thêm với GV của nhiều trường khác. Mỗi thầy cô một phong cách giảng dạy nhưng đặc điểm chung giảng bài dễ hiểu với những chuyên đề hay, có tính ứng dụng cao. Điều đó hỗ trợ chúng em rất nhiều trong học tập và nhất là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới”.  

Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thông báo đến toàn thể GV, phụ huynh và các em HS về kế hoạch dạy học và lịch phát sóng các chuyên đề ôn tập 3 bộ môn Toán, ngữ Văn, Tiếng Anh cho học sinh khối 9 và khối 12 trên sóng BRT. Trong quá trình phát sóng, Sở GD-ĐT cũng đề nghị mỗi nhà trường phân công một lãnh đạo phụ trách chuyên môn thường xuyên kiểm tra e-mail công vụ của mình để nhận những thắc mắc của HS khi các em theo dõi chương trình trên đài truyền hình. Đồng thời phân công tổ trưởng chuyên môn cùng với GV bộ môn trả lời, hướng dẫn, giải đáp cho HS trường, lớp mình.
(Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)
Chương trình “Ôn tập kiến thức phổ thông” phát sóng từ ngày 2 đến 29/4 với 3 môn: Toán, ngữ Văn, tiếng Anh, thời lượng 2 tiết/tuần/môn.
Cụ thể, chương trình dành cho HS lớp 9 phát sóng vào các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Trong đó, môn Toán phát sóng vào thứ Hai, thứ Năm; môn ngữ Văn vào thứ Ba, thứ Sáu; môn tiếng Anh vào thứ Tư và thứ Bảy. Khung giờ phát sóng từ 8 giờ đến 8 giờ 30 phút trên kênh BRT và phát lại lúc 9 giờ đến 9 giờ 30 phút trên mạng xã hội (Fanpage, Youtube) của BRT. 
Chương trình dành cho HS lớp 12 phát sóng vào các buổi chiều từ Chủ nhật tới thứ Sáu hàng tuần. Trong đó, môn Toán phát sóng vào thứ Hai, thứ Năm; môn ngữ Văn vào thứ Ba, thứ Sáu; môn tiếng Anh vào thứ Tư và Chủ nhật. Khung giờ phát sóng từ 15 giờ đến 15 giờ 30 phút trên kênh BRT và phát lại lúc 15 giờ 30 phút đến 16 giờ trên mạng xã hội (Fanpage, Youtube) của BRT. 

Cũng theo ý kiến của các em HS, mô hình học trên truyền hình vừa giúp các em không bị gián đoạn kiến thức, vừa an toàn trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Em Bùi Trần Thiên Hương, HS lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, ngoài hình thức học trực tuyến do nhà trường triển khai, em thấy học qua truyền hình là một kênh học tập rất hữu ích. Theo Hương, thầy cô giảng bài dễ hiểu, kiến thức có tính tổng quát. Mỗi thầy cô lại có cách truyền tải kiến thức khác nhau, cho em những cảm nhận khác biệt nên không bị nhàm chán. “Ngoài theo dõi chương trình trên tivi, HS có thể xem lại trên Fanpage, Youtube của Đài BRT. Đây là một thuận lợi để tụi em sắp xếp thời gian học tập của mình”, Thiên Hương chia sẻ. 

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 
.
.
.