Nguy cơ xáo trộn tâm lý ở người mất tinh hoàn
M. (13 tuổi, Bình Phước) được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn đã hoại tử. Trước giờ phẫu thuật, ngay trên bàn mổ, M. bật khóc. Đối với nhiều người, mất một tinh hoàn do bệnh tật hoặc chấn thương, nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề tâm lý, hoài nghi về sự nam tính, khả năng tình dục và khả năng sinh sản luôn được đặt ra.
Bác sĩ Nam khoa phẫu thuật cho người bệnh tại Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh). |
TAI HỌA BẤT NGỜ
Đầu tháng 3/2020, L.Đ.M. được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng bìu trái sưng to, phù nề, tím, đau đớn. Các dấu hiệu lâm sàng gợi ý một trường hợp hoại tử tinh hoàn do xoắn. Kết quả siêu âm đã khẳng định chẩn đoán khi cho thấy hình ảnh tinh hoàn trái đã không còn máu nuôi. M. được các bác sĩ Khoa Nam học phẫu thuật ngay trong đêm để loại bỏ tinh hoàn đã hoại tử do xoắn tinh hoàn.
Gặp M. tại phòng bệnh, sau ca phẫu thuật, M. đã bình tĩnh hơn, không còn khóc như đêm hôm cậu nghe tin phải cắt bỏ tinh hoàn. Em có được sự thoải mái và tin tưởng, sau quá nhiều căng thẳng và đớn đau mà cậu bé 13 tuổi phải gánh chịu. Mẹ M. nói lần đầu tiên sau nhiều ngày, cậu bé có một đêm thẳng giấc.
Theo ThS.BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân: Xoắn tinh hoàn phát sinh do thừng tinh tự xoắn quanh trục làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn. Tình trạng xoắn tinh hoàn xuất hiện đột ngột và nếu không được điều trị kịp thời để tháo xoắn, người bệnh có nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn do tinh hoàn hoại tử. Thời gian vàng để cấp cứu là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát tình trạng xoắn của thừng tinh. Trường hợp đến bệnh viện quá trễ khiến tinh hoàn bị hoại tử như M., không phải hiếm.
NGUY CƠ XÁO TRỘN TÂM LÝ
Những đau đớn về thể chất rồi sẽ dần qua, nhưng những hụt hẫng liên quan đến việc mất tinh hoàn không thể xóa nhòa dễ dàng. Thậm chí, các vướng mắc tâm lý có thể lại trỗi dậy khi M. ở tuổi vị thành niên, có bạn gái và bắt đầu có những suy nghĩ và mong muốn trải nghiệm gắn bó tình dục.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nam khoa Quốc tế (International Journal of Andrology) về cảm giác mất mát và khó chịu hoặc xấu hổ sau khi phẫu thuật cắt bỏ một tinh hoàn cho thấy 26% đàn ông sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn cảm giác không thoải mái hoặc xấu hổ về cơ thể mình. Việc mất tinh hoàn có thể khiến người bệnh có cảm giác mất mát kéo dài, khó chịu vì cho rằng mình không được toàn vẹn.
Nhiều người lo lắng rằng việc mất đi một tinh hoàn làm giảm khả năng có con hoặc chức năng tình dục. Trên thực tế, tinh hoàn còn lại vẫn sản xuất đủ testosterone để thúc đẩy ham muốn tình dục, đảm bảo chức năng cương và xuất tinh khi đạt cực khoái cũng như khả năng sinh tinh để đảm bảo chức năng sinh sản. Trên thực tế, nhiều người có một tinh hoàn vẫn có đời sống tình dục viêm mãn. Đó là khi họ vượt qua được những vướng mắc tâm lý.
CAN THIỆP PHÙ HỢP TRONG TỪNG GIAI ĐOẠN CỦA NGƯỜI MẤT TINH HOÀN
Việc tư vấn cũng được điều chỉnh dựa trên tình trạng của người bệnh, chú ý vào các vấn đề nổi bật của từng giai đoạn để mang lại hiệu quả trị liệu cao. Chẳng hạn, ngay sau khi phẫu thuật người bệnh lo lắng về nguy cơ xoắn tinh hoàn còn lại, lo sợ tai nạn ở vùng hạ bộ... Một người đã mất tinh hoàn từ 3 năm trước có thể đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến hình ảnh cơ thể và nỗi lo sợ vô sinh, một người mất tinh hoàn vừa có bạn gái sẽ lo lắng về phản ứng của bạn gái trước sự kiện này…
Nhiều trường hợp đã hiểu rõ rằng một tinh hoàn còn lại vẫn đảm bảo cho họ chức năng tình dục và làm cha nhưng vẫn không thể thoát khỏi suy nghĩ mình bị sụt giảm sự nam tính, lo lắng, tự ti và ngại bắt đầu một mối quan hệ. Thậm chí, tình trạng mất tinh hoàn có thể khiến người bệnh rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, với các biểu hiện như chán nản, đau khổ, cảm thấy mình vô dụng, khó chịu, cảm thấy mình không đáng sống… những vấn đề tâm lý đòi hỏi phải có chiến lược can thiệp cụ thể để giúp phục hồi và ngăn ngừa tái phát. Các liệu pháp tâm lý giúp xây dựng các kỹ năng đối phó của người mất bộ phận.
Một khi người từng mất tinh hoàn rơi vào rối loạn lo âu hay trầm cảm. Các liệu pháp như nhận thức hành vi (CBT) hay Trị liệu mối quan hệ cá nhân (IPT) có thể được áp dụng.
•Người bệnh sau mất tinh hoàn dễ cảm thấy tự ti, cho rằng mình giảm nam tính, bản thân không toàn vẹn •Lo lắng về phản ứng của bạn đời, người yêu trước mất mát của mình •Can thiệp tâm lý phù hợp cho người mất tinh hoàn có thể giúp quá trình chấp nhận thay đổi cơ thể của người bệnh sau phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn. Giúp tháo gỡ những vướng mắc của người bệnh và hỗ trợ họ xây dựng mối quan hệ gắn bó, tìm giải pháp và ổn định tâm lý tình dục. |
(CBT) điều trị hiệu quả cho những người mắc chứng lo âu và trầm cảm. Nó giúp hướng dẫn mọi người đánh giá suy nghĩ của họ về những khó khăn chung, giúp họ thay đổi cách suy nghĩ và cách họ phản ứng với những tình huống nhất định.
Liệu pháp giữa các cá nhân (IPT) cũng có hiệu quả để điều trị trầm cảm và một số loại rối loạn lo âu dựa trên việc giúp người bệnh tìm ra các cách mới để hòa hợp với người khác và giải quyết những mất mát, thay đổi và xung đột trong các mối quan hệ.
Như vậy, mất một bên tinh hoàn có thể làm kích hoạt các vấn đề tâm lý và hành trình chấp nhận mất mát của người bệnh có thể cần phải có sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý trị liệu để xây dựng đời sống và mối quan hệ tốt sau điều trị.
TRẦN NHUNG
(Cử nhân Tâm lý học Lâm sàng, Bệnh viện Bình Dân)