9 thực phẩm tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh phổi
Phổi là một cơ quan quan trọng trong việc giúp cơ thể hoạt động tốt. Tuy nhiên, môi trường sống ô nhiễm dẫn tới bệnh phổi và các vấn đề hô hấp như: viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi và xơ nang. Chúng ta có thể duy trì một lá phổi khỏe mạnh bằng cách không hút thuốc và tập luyện thường xuyên. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một số loại thức ăn có tác động tích cực đến chức năng hoạt động của phổi. Vì vậy, để tăng cường sức khỏe cho phổi, mỗi người bổ sung thường xuyên các thực phẩm dưới đây vào bữa ăn hàng ngày.
1. Tỏi: Thực phẩm này chứa flavonoid kích thích sản xuất glutathione, giúp loại bỏ độc tố và các chất gây ung thư, nhằm giúp phổi hoạt động tốt hơn. Một nghiên cứu cho thấy những người ăn 3 tép tỏi sống với tần suất 2 lần/tuần ít có nguy cơ mắc ung thư phổi hơn.
2. Gừng: Thực phẩm đặc tính kháng viêm có thể làm giảm viêm trong cơ thể, giải độc phổi và thúc đẩy việc loại bỏ các chất ô nhiễm từ phổi. Gia vị này cũng làm giảm tắc nghẽn và cải thiện lưu thông đến phổi, do đó tăng cường sức khỏe phổi.
3. Súp lơ: Loại rau họ cải này chứa nhiều vitamin C, folate, carotenoids và phytochemical chống lại các yếu tố gây hại trong phổi. Súp lơ có một hợp chất hoạt tính gọi là L-sulforaphane, giúp các tế bào chuyển sang các gen chống viêm để ngăn ngừa các bệnh hô hấp.
4. Trà xanh: Nhờ chứa chất chống oxy hóa, trà xanh giúp làm dịu cơ thể, giảm viêm và chữa bệnh tốt hơn. Chất chống oxy hóa trong trà xanh hoạt động như một thuốc kháng histamin tự nhiên, làm chậm sự giải phóng histamine gây ra các triệu chứng dị ứng.
5. Các loại hạt: Hạt bí ngô, hạt lanh và hạt hướng dương được xem là siêu thực phẩm cho phổi vì cung cấp cho cơ thể nhiều magie, một khoáng chất thiết yếu và cực tốt cho những người mắc bệnh hen suyễn. Magie hỗ trợ các cơ trong đường hô hấp thư giãn và giảm viêm, do đó cải thiện hô hấp.
6. Trái cây và rau củ màu cam: Đu đủ, bí ngô và cam chứa nhiều chất chống oxy hóa thân thiện với phổi như vitamin C, có khả năng chống nhiễm trùng và giảm viêm.
7. Ngũ cốc nguyên hạt: Bạn nên tăng cường ăn các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, quinoa và lúa mì. Nhưng bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu carbohydrates đơn giản như bánh nướng xốp, mì ống, gạo, bánh mì trắng... vì chúng làm tăng sản xuất carbon dioxide và gây căng thẳng hơn cho phổi.
8. Táo: Một nghiên cứu cho thấy rằng những người uống một ly nước ép táo mỗi ngày sẽ ít bị thở khò khè. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng những phụ nữ ăn táo hàng ngày trong thời gian mang thai, con của họ ít có khả năng bị hen suyễn. Điều này là do táo có chứa các hợp chất phenolic và flavonoid, vốn được biết đến để giảm viêm trong đường hô hấp.
9. Cá hồi: Cá hồi chứa nhiều axit béo omega 3 giúp giảm viêm trong phổi và cũng có thể chống lại vi khuẩn ở những người bị bệnh phổi. Ngoài cá hồi, bạn có thể ăn cá thu, cá mòi và cá trích, những thực phẩm cũng rất tốt cho phổi.
NGUYỄN THI
(Tổng hợp)