.

Hết sức cảnh giác với những ca nhiễm trong cộng đồng

Cập nhật: 21:21, 08/04/2020 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp trực tuyến, sáng 8/4, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đầu cuộc họp, thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn Bộ Công an, Hội Chữ thập đỏ, các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội… đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị trong mùa dịch.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi trước 0h ngày 22/3, thời điểm chúng ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, thì vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.

Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiên định nguyên tắc từ đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

Đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng, cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất nguyên tắc phải tăng cường bảo vệ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh không chỉ công an, y tế, quân đội mà cả thành viên Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia phòng, chống dịch tại địa phương…

Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được coi là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (F1). Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm COVID-19.

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện của các cơ sở y tế.

Trừ trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước… và thực hiện đầy đủ các quy định phòng bệnh của bệnh viện.

Cũng theo báo cáo của Tiểu ban Hậu cần (Ban Chỉ đạo), các DN trong nước đã chủ động được nguồn nguyên liệu và bảo đảm sản xuất đủ khẩu trang y tế, một số trang bị bảo hộ để dùng trong các cơ sở y tế, cung cấp cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Ngoài ra, các DN tiếp tục sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, chống giọt bắn phù hợp cho người dân sử dụng và xuất khẩu. 

TRẦN MẠNH - ĐÌNH NAM

.
.
.