Đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020: Dễ nhưng không chủ quan
Ngày 3/4, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020. Theo đánh giá của các GV bộ môn, đề thi minh họa năm nay bám sát kiến thức cơ bản, nhiều môn “dễ thở” hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, không vì vậy mà GV, HS chủ quan, lơ là việc giảng dạy và ôn tập.
Cô Phạm Thị Hồng Hoan, GV môn Địa lý, Trường THPT Lê Hồng Phong chuẩn bị ghi hình bài giảng "Kỹ năng nhận xét biểu đồ, bảng số liệu" lớp 12. |
BÁM SÁT KIẾN THỨC CƠ BẢN
Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) đánh giá, với đề thi tham khảo môn Toán năm nay, việc đạt điểm 7 dễ dàng hơn so với những năm trước. 40 câu đầu của đề bám sát kiến thức cơ bản, từ câu 40 trở đi là những câu hỏi có tính phân loại. Về phạm vi kiến thức, chỉ có 5 câu thuộc phần kiến thức lớp 11, còn lại chủ yếu tập trung ở lớp 12. Tuy vậy, nhiều câu phải vận dụng cả kiến thức lớp 10, 11 mới có thể giải quyết được. Yếu tố này khiến cho đề minh họa vẫn bảo đảm tính phân hóa, sàng lọc được HS có năng lực thực sự. Thí sinh xuất sắc có thể đạt trên 9 điểm, còn việc chinh phục điểm 10 là hết sức khó khăn.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Đình Tuyên, GV Toán, Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) nhận định: “Đề thi những năm trước, kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu chỉ chiếm khoảng 50%, còn đề thi minh họa năm nay tăng lên 70%. HS nắm vững kiến thức cơ bản có thể đạt điểm trên trung bình. Song, để đạt điểm giỏi, ngoài nắm chắc, vận dụng kiến thức linh hoạt, các em còn cần làm bài nhanh, chắc chắn”.
Cô Đỗ Thúy Dương, GV Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì cho rằng, về cấu trúc, đề thi tham khảo năm 2020 không có nhiều thay đổi so với đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Đề thi cũng có các phần kiểm tra đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Tuy nhiên, điều đáng nói là đề thi tham khảo năm nay ra dạng đề nghị luận văn học tối giản, chỉ yêu cầu cảm nhận, phân tích nên không “làm khó” HS. Trong khi những năm trước, câu nghị luận văn học sẽ là câu phân hóa của đề thi Ngữ Văn.
Còn với môn tiếng Anh, cô Lê Thị Thu Hằng, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) cho hay: “Đề thi tham khảo năm nay tương đương với đề của những năm trước, có sự kết hợp của đề thi năm 2018 và 2019 và có một số thay đổi nhỏ về cấu trúc ngữ pháp so với đề thi năm 2019. Phần ngữ pháp của đề bám sát kiến thức SGK, chủ yếu là kiến thức học kỳ 1 lớp 12, lớp 11 không đáng kể và không có kiến thức lớp 10. Vì vậy, nếu nắm chắc kiến thức căn bản, HS đã có thể giải quyết được 50% đề thi. Sự phân hóa thí sinh chủ yếu nằm ở phần vận dụng ngữ nghĩa (từ vựng và đọc hiểu)”.
Những năm trước, môn Sinh học trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên thường được đánh giá là làm khó HS. Song, trước tình hình HS phải nghỉ học kéo dài, đề tham khảo môn Sinh học năm nay cũng nhẹ nhàng hơn. Theo cô Lê Thị Mai, GV bộ môn Sinh học, Trường THPT Châu Thành, cấu trúc đề không thay đổi nhiều so với các năm trước. Nội dung kiến thức và kỹ năng phù hợp với những điều chỉnh theo hướng tinh giảm mà Bộ GD-ĐT vừa công bố. Đề có khoảng 50% câu hỏi ở mức độ nhận biết, có “độ khó” thấp hơn và số câu “đếm” ít hơn so với đề chính thức năm 2019. Nếu đề thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 bám sát với đề tham khảo thì HS sẽ “dễ thở” hơn và phù hợp với điều kiện học tập hiện nay.
NGHIÊM TÚC DẠY VÀ HỌC
Theo đánh giá chung, đề tham khảo các môn thi năm nay có vẻ “dễ thở” hơn so với những năm trước, nhưng không vì thế mà GV và HS lơ là việc giảng dạy, ôn tập. Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho hay, ngay sau khi có đề thi tham khảo, nhà trường đã giao cho GV bộ môn phân tích ma trận đề thi để lên kế hoạch giảng dạy. Hiện nay, Trường THPT Châu Thành đang giảng dạy trực tuyến 9 môn thi THPT quốc gia vào các buổi sáng với thời lượng 2 tiết/tuần/môn. Vào các buổi chiều, tối, GV bộ môn các lớp tự sắp xếp thời gian để phụ đạo, củng cố thêm kiến thức cho các em. “Trong 2 tuần HS đến trường vào đầu tháng 3 vừa qua, nhà trường đã đẩy mạnh việc học lý thuyết các môn thi. Thời điểm này, GV tiếp tục dạy kiến thức học kỳ II và cho HS luyện đề theo định hướng của đề thi tham khảo. Dự kiến, đến hết tháng 5, nhà trường sẽ hoàn thành chương trình, dành thời gian khoảng 2 tháng cho các em ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia”, thầy Lâm nói.
Để chinh phục môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia, HS cần nắm vững cấu trúc ngữ pháp đã xuất hiện trong đề tham khảo, đồng thời tăng cường kỹ năng đọc hiểu, mở rộng tích lũy vốn từ vựng với các chủ điểm trong SGK và các bài đọc thêm có cùng chủ đề. Khi làm bài thi, các em nên đọc qua một lượt, giải quyết các nội dung từ dễ đến khó, đi từ câu ngữ pháp đến các câu từ vựng lẻ và cuối cùng là phần đọc hiểu. Cùng với đó, HS phải phân bổ thời gian hợp lý, làm đến đâu chắc đến đó, hạn chế sai sót.
(Cô Lê Thị Thu Hằng, GV Trường THPT Xuyên Mộc)
----------------
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia, HS cần chủ động lên kế hoạch ôn tập hợp lý, bám sát chương trình lớp 12 và rà soát lại kiến thức lớp 11. Các em nên hệ thống hóa kiến thức cơ bản theo từng chủ đề, dưới dạng sơ đồ tư duy, xác định các cụm từ “chìa khóa” cho từng đơn vị kiến thức, luyện kỹ năng giải các dạng bài tập theo định hướng đề tham khảo của Bộ GD-ĐT.
(Cô Lê Thị Mai, GV môn Sinh học, Trường THPT Châu Thành)
|
Ngoài đề thi tham khảo, các nhà trường còn bám sát chương trình giảm tải của Bộ GD-ĐT làm căn cứ giảng dạy, ôn tập cho HS. Thầy Mai Xuân Đồng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong cho hay, trên cơ sở chương trình giảm tải mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, các tổ chuyên môn của trường đã soạn lại phân phối chương trình, đồng thời xây dựng thời khóa biểu cho cả 9 môn thi. Nhà trường lựa chọn hình thức ghi hình bài giảng rồi đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube theo thời khóa biểu cố định. Thời lượng các môn Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh là 3 bài/tuần, các môn Sinh học, Hóa học, Vật lý 2 bài/tuần, còn Lịch sử, Địa lý, GDCD 1 bài/tuần. Bên cạnh đó, GV bộ môn còn làm video hướng dẫn HS giải bài tập hoặc ứng dụng các phần mềm khác như Zoom, Microsoft Teams, Zalo… để trao đổi, giải đáp thêm cho các em. Hiện nay, “kho” dữ liệu của trường đã có khoảng 100 video bài giảng các môn học, riêng lớp 12 có gần 60 bài. Nhờ đó, HS có thể chủ động thời gian học tập khi kỳ nghỉ vẫn tiếp tục kéo dài.
Em Bùi Trần Thiên Hương, HS lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: “Việc học trực tuyến dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng không hiệu quả bằng học trực tiếp trên lớp. Vì vậy, đề thi tham khảo có vẻ nhẹ nhàng hơn so với những năm trước nhưng em vẫn xác định phải học tập nghiêm túc, chủ động tìm hiểu, mở rộng kiến thức thì mới có thể đạt kết quả cao”. Thiên Hương cho biết thêm, năm nay, em dự định xét tuyển khối D vào khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Trong thời gian này, buổi sáng em học trực tuyến với thầy cô bộ môn, thời gian còn lại em làm bài tập, luyện giải đề, xem lại kiến thức các bài đã học. Ngoài ra, em còn đọc thêm sách thầy cô đã soạn theo bộ đề, tìm thêm tài liệu tham khảo trên các trang uy tín và học nhóm online với bạn bè.
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG