Chủ trương đúng, vận động tốt, việc gì cũng thành công
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trên địa bàn huyện Châu Đức đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay từ cơ sở. Mỗi việc làm, mỗi mô hình đều xuất phát từ lòng nhân ái, sự cống hiến vì cộng đồng.
Đại diện UBND, UBMTTQVN và Ban Trị sự GHPGVN huyện Châu Đức trao nhà cho hộ gia đình bà Lê Thị Hóa (thôn Tam Long, xã Kim Long) tháng 1/2020. |
KHÔNG ĐỂ AI Ở LẠI PHÍA SAU
Ghé thăm gia đình bà La Thị Hóa (thôn Tam Long, xã Kim Long), chúng tôi được biết, bà Hóa là con liệt sĩ, cả hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, làm mướn nuôi 3 con ăn học. Nhiều năm qua, cả gia đình bà Hóa phải sống trong căn nhà cấp 4 bị hư hỏng nặng nhưng không có tiền tu sửa.
Biết được hoàn cảnh của bà Hóa, tháng 1/2020, UBND huyện Châu Đức đã vận động Ban Trị sự Phật giáo huyện hỗ trợ 60 triệu đồng, UBMTTQVN huyện cũng trích 40 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng căn nhà tình nghĩa khang trang, rộng gần 70m2 cho gia đình bà Hóa. “Có nhà mới khang trang, vợ chồng tôi cũng yên tâm hơn, không còn phải lo lắng mỗi khi trời nắng hay lúc mưa bão nữa”, bà Hóa nói.
Với tinh thần “Không để ai ở lại phía sau”, tính từ năm 2019 đến nay, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể trên địa bàn huyện Châu Đức đã vận động 2,3 tỷ đồng để xây mới 59 căn nhà “đại đoàn kết”, tặng 2.265 suất quà, hơn 2.000 con giống cho cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên còn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình điển hình, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời phối hợp với tổ chức tín dụng như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ “Quốc gia giải quyết việc làm”, Quỹ “Thanh niên khởi nghiệp”… giúp 2.309 hộ gia đình được vay tổng số tiền gần 47 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập cải thiện cuộc sống.
KHƠI GỢI Ý THỨC VÌ CỘNG ĐỒNG
Trước đây, con đường dài hơn 1.000m đi qua tổ 76, thôn Hoa Long, xã Kim Long là nỗi ám ảnh của hơn 100 hộ dân bởi đường chật hẹp, nhiều ổ gà, ổ voi, nắng bụi, mưa lầy. Mặc dù UBND huyện Châu Đức đã có chủ trương sửa chữa con đường này, nhưng do thiếu vốn giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn chưa thực hiện được.
Đầu năm 2017, Chi bộ thôn Hoa Long đã triển khai mô hình “Vận động người dân hiến đất làm đường”. Ngay từ khi vừa triển khai, 100% đảng viên trong thôn đã nhiệt tình vào cuộc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động các hộ dân tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, hiến đất làm đường. Khi đã thấu hiểu được lợi ích thiết thực của việc có tuyến đường rộng rãi, sạch sẽ, 100% hộ dân sống dọc tuyến đường đã đồng thuận hiến gần 1.000m2 đất ở, 1.500m2 đất trồng cây ăn trái, hoa màu, 300m tường rào kiên cố, đóng góp gần 100 ngày công lao động để sửa chữa con đường.
Với quyết tâm của chính quyền, người dân trong việc xây dựng nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, năm 2019, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ trên địa bàn huyện Châu Đức đã vận động người dân tự nguyện hiến 68.711m2 đất (tương đương 8,4 tỷ đồng), phá bỏ hàng trăm công trình kiến trúc, tường rào kiên cố, hơn 10 ngàn cây trồng các loại (tương đương 622 triệu đồng) để xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh; đóng góp 4.869 bóng đèn, 172.695m dây điện để lắp đặt hệ thống thắp sáng 370 tuyến đường giao thông nông thôn.
Theo ông Lê Binh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Châu Đức, để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đạt hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể đã lựa chọn các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Qua đó, nêu cao tinh thần đoàn kết, khơi gợi ý thức vì cộng đồng trong nhân dân. “Có vận động tốt, tuyên truyền giải thích cặn kẽ thì người dân sẽ hiểu và đồng thuận, khuyến khích họ tham gia góp sức, chung tay vì sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, ông Lê Binh khẳng định.
Bài, ảnh: MINH NHÂN