Cuộc sống của nhiều chị em đã “sang trang mới” khi được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và cả cây, con giống trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Sự chịu thương, chịu khó của các chị đã cho “trái ngọt”, giúp các chị tự tin làm chủ cuộc đời.
Nhờ tham gia tổ trồng rau an toàn của Chi hội LHPN HTX Quyết Thắng, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (tổ 5, khu phố Hương Sơn, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) đã có thu nhập ổn định. |
THU NHẬP KHÁ
Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (tổ 5, khu phố Hương Sơn, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) cặm cụi tưới nước, nhổ cỏ, bón phân cho lứa rau cải lên tốt chừng gang tay. Rồi chị lại cắt mớ rau cải ngọt, rau dền ở những luống khác để chuẩn bị giao cho thương lái. Đó là công việc đều đặn, ổn định quanh năm của chị Hạnh trong 15 năm qua kể từ ngày chị tham gia tổ trồng rau an toàn của chị em phụ nữ ở địa phương.
Trước đây, chị Hạnh làm thuê, làm mướn các việc như: nhổ cỏ, cấy lúa… nhưng chỉ theo thời vụ nên thu nhập bấp bênh. Nhưng từ khi tham gia tổ trồng rau an toàn, chị được HTX Quyết Thắng cấp đất, hỗ trợ làm nhà lưới, hệ thống tưới nước… để trồng rau. Chị Hạnh chỉ bỏ tiền vốn mua phân bón, giống và bỏ công trồng rau. Trên diện tích 630m2, chị Hạnh làm từ 12-15 lứa rau/năm, thu nhập từ 2-5 triệu đồng/lứa. Chị Hạnh niềm nở cho biết: “Nhờ trồng rau mà cuộc sống của gia đình tôi ổn định, khấm khá. Có thời điểm, nhờ rau được giá, mỗi ngày tôi thu nhập được 3 triệu đồng”.
Chị Hạnh là 1 trong 12 hội viên phụ nữ của tổ trồng rau an toàn, Chi hội Phụ nữ HTX Quyết Thắng, thuộc Hội LHPN phường Kim Dinh. Với tiêu chí trồng rau sạch, an toàn, lượng rau ổn định, sản phẩm của tổ được nhiều khách hàng lựa chọn. Mỗi ngày, tổ bán ra thị trường khoảng 600kg rau cho các thương lái ở chợ Bà Rịa, các cơ sở bán rau an toàn ở TP.Bà Rịa và huyện Long Thành (Đồng Nai). Trung bình, mỗi vụ rau cho thu nhập 6 triệu đồng/người. Đây là một trong những mô hình làm kinh tế hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn định cho hội viên của Hội LHPN phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa. Được biết, để hỗ trợ hội viên, Hội LHPN phường thông qua Ngân hàng CSXH đã tín chấp cho các hội viên tổ trồng rau an toàn vay từ 10-20 triệu đồng/người để làm vốn.
Trước đây chị Nguyễn Thị Ngọc Sương, hội viên phụ nữ ấp 2 Tây, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc làm thuê mướn mọi công việc, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh và không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Đầu năm 2017, chị Sương gom góp vốn mua 4 con dê về nuôi bởi công việc này phù hợp với chị, vừa chăm sóc được gia đình. Cùng năm đó, chị Sương mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN xã để tăng số dê trong đàn. Chị chịu khó tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dê do Hội LHPN tổ chức nên đàn dê phát triển khỏe mạnh. Trung bình mỗi năm, từ chăn nuôi dê, gia đình chị Sương có thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Theo Hội LHPN xã Bàu Lâm, hiện toàn xã có hơn 2.000 hội viên phụ nữ. Đa phần các hội viên làm nghề nông hoặc công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, trong đó, hơn 1/3 người có hoàn cảnh khó khăn. Xuất phát từ thực tế này, từ năm 2017, Hội LHPN xã đã triển khai mô hình nuôi dê. Theo đó, mỗi chị em hội viên sẽ nhận được vay 10 triệu đồng từ nguồn quỹ khởi nghiệp của Hội LHPN xã để nuôi dê. Sau hơn 2 năm thực hiện, toàn xã có 30 gia đình hội viên phụ nữ tham gia vay vốn từ nguồn quỹ của Hội LHPN xã và vốn vay Ngân hàng CSXH để chăn nuôi dê. Tổng đàn dê toàn xã từ mô hình này hiện có hơn 1.000 con.
HỖ TRỢ HỘI VIÊN PHỤ NỮ
Theo Hội LHPN tỉnh, thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, Tỉnh Hội đã triển khai khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, phấn đấu 100% phụ nữ nghèo là chủ hộ được Hội giúp đỡ, trong đó có 50% được thoát nghèo” nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, 100% các cấp Hội xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các mô hình: “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”…; tăng cường khai thác các nguồn vốn lãi suất ưu đãi, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… cho hội viên.
Trong năm 2019, các cấp Hội huy động hơn 965 tỷ đồng, giúp 74.079 lượt chị vay vốn phát triển kinh tế; phối hợp tổ chức 96 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, quản lý, sử dụng vốn hiệu quả cho 4.022 chị; phối hợp tổ chức 32 lớp đào tạo nghề cho 1.376 chị và giải quyết việc làm cho 4.094/1.190 chị, vượt 344% so với chỉ tiêu. Đặc biệt, có 3.705/3.705 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ vay vốn phát triển kinh tế, đạt tỷ lệ 100% với tổng số tiền cho vay gần 32 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, năm 2020, Hội tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm là vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế qua các hoạt động: Tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2020; thành lập các hợp tác xã kinh doanh, sản xuất do hội viên phụ nữ quản lý; phối hợp giới thiệu, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ; tổ chức các lớp tập huấn về vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp; hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế thông qua nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH và các nguồn vốn khác.
Bài, ảnh: THI PHONG