Theo Bà Trần Thị Lệ Hà, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Lê Lợi, việc đeo khẩu trang khi đến các nơi công cộng ngoài nguy cơ tránh lây nhiễm các loại virus, có thể giúp mọi người tránh được các loại bụi, khói, khí thải độc hại trong môi trường. Trong mùa dịch COVID-19, việc đeo khẩu trang đối với người chưa bị bệnh nhằm tránh hít phải những giọt bắn lớn chứa nhiều loại virus từ người đối diện. Còn với người đang trong giai đoạn ủ bệnh, việc đeo khẩu trang có tác dụng cản trở phát tán của virus ra ngoài. Trong trường hợp này, nếu không đeo khẩu trang, giọt bắn chứa virus có thể bắn xa 2m, rất nguy hiểm. Vì vậy, để phòng, chống dịch COVID-19, ngoài khẩu trang y tế, người dân có thể đeo khẩu trang vải, khẩu trang 2,3 lớp.
Khi sử dụng khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
Với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.
Khi sử dụng khẩu trang vải cần thay khẩu trang vải thường xuyên 4-8 tiếng/lần, hoặc khi khẩu trang có dấu hiệu ẩm ướt. Sau khi thay cần phải bỏ khẩu trang vào túi ni lông và buộc kín. Khẩu trang tái sử dụng phải được giặt sạch sẽ bằng xà bông, nước/bột giặt và phơi dưới ánh nắng trực tiếp, tuyệt đối không bỏ khẩu trang đã sử dụng trực tiếp trong túi áo hoặc giỏ xách như thói quen của một số người.
MINH THI