Trong thời gian HS toàn tỉnh được nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều GV vẫn cần mẫn với hoạt động chuyên môn, nghiên cứu, sáng tạo các phương pháp học tập phù hợp để HS không “đánh rơi” kiến thức sau kỳ nghỉ dài.
GV lớp Nhà trẻ Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) làm đồ dùng, đồ chơi trong thời gian HS nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. |
KIÊN TRÌ “BÁM” TRƯỜNG, LỚP
Chiều 25/2, chúng tôi có mặt tại Trường MN Châu Thành (TP.Vũng Tàu). 5-6 GV đang chăm chú tô điểm cho những chiếc ghế đá trong khuôn viên trường. Người nắn nót dùng chì vẽ những mẫu hình ngộ nghĩnh lên ghế, người pha sơn tô màu. Chẳng mấy chốc, những chiếc ghế đá đã được khoác lên mình chiếc “áo mới” với những bức tranh mang chủ đề về biển đảo, thực vật.
Trong phòng học, nhóm GV khác đang cặm cụi vẽ, cắt trên vải dạ, giấy thủ công làm đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề: thực vật, gia đình… để phục vụ bài giảng trong năm học. Cô Nguyễn Thị Thùy Linh, Tổ trưởng tổ 3-4 tuổi chia sẻ, những ngày này, HS không tới trường nhưng không có nghĩa là các cô giáo được nghỉ. “Chúng tôi luôn thực hiện nghiêm các kế hoạch chuyên môn. GV các lớp vẫn soạn giáo án rồi nộp cho tổ trưởng, Hiệu phó chuyên môn góp ý để bài giảng được hoàn thiện, cuốn hút HS. Không chỉ vậy, GV các tổ còn làm đồ dùng, đồ chơi tại trường hoặc mang về nhà tự làm để tổ chức hoạt động dạy học khi các em trở lại trường. Bên cạnh đó, GV còn phải tự học bồi dưỡng chuyên môn do Bộ GD-ĐT đề ra”, cô Thùy Linh nói.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành khẳng định, tuy HS được nghỉ để chống dịch COVID-19 nhưng GV vẫn phải làm nhiệm vụ. Mỗi ngày, nhà trường phân công 4-5 GV, nhân viên luân phiên trực tại trường từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi cần thiết. Ngoài việc vẫn duy trì các hoạt động chuyên môn như soạn giáo án, cán bộ quản lý, GV, nhân viên nhà trường còn thường xuyên có mặt để vệ sinh trường lớp, chăm sóc cây xanh, trang trí khuôn viên trường học… Nhờ vậy, dù trải qua kỳ nghỉ dài nhưng các hoạt động chuyên môn của GV vẫn bảo đảm, trường lớp được vệ sinh sạch sẽ, khoác lên mình tấm áo mới, tạo hứng thú cho HS khi các em đi học trở lại.
Cùng với việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức ôn tập, dạy học trực tuyến cho HS. Lãnh đạo các đơn vị tiếp tục chỉ đạo các tổ chuyên môn, GV chủ nhiệm và GV bộ môn có hình thức tổ chức học online, giao nhiệm vụ tự ôn tập cho HS, SV và tăng cường hướng dẫn HS tự học ở nhà nhằm ôn luyện và vận dụng kiến thức đã học trong thời gian được nghỉ.
Các đơn vị không được giao bài tập ở phần kiến thức chưa học để không gây áp lực buộc các em phải đi học thêm. Việc giao bài, dạy học trực tuyến trong thời gian HS nghỉ học nhằm ôn tập và củng cố kiến thức chứ không nhằm mục đích thay thế chương trình. Cùng với đó, cán bộ quản lý, GV, nhân viên các trường tiến hành vệ sinh phòng học, các trang thiết bị theo quy định để chuẩn bị cho HS trở lại trường khi có thông báo của UBND tỉnh.
(Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)
|
KHÔNG ĐỂ TRÒ ĐÁNH RƠI KIẾN THỨC
Lo HS nghỉ học thời gian dài sẽ đánh rơi kiến thức nên thầy Trần Quang Vinh, GV Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã nghĩ ra nhiều cách để HS vẫn giữ thói quen ôn bài. Cụ thể, thầy hoàn thiện các chuyên đề, gửi cho HS tự học để nắm vững kiến thức. Bên cạnh đó, thầy còn soạn các bộ đề trắc nghiệm phù hợp với từng lớp để các em làm bài trực tuyến trên ứng dụng SHub Classroom 2 ngày một lần. Với ứng dụng này, thầy Vinh tạo lớp học, nhập bài tập, đáp án trên SHub Classroom và gửi mã lớp học đến HS. HS tham gia lớp học thông qua mã lớp và làm bài trên ứng dụng. Hệ thống sẽ tự động chấm bài, thống kê và tổng hợp giúp GV nắm bắt tình hình lớp học. Sau khi làm bài xong, kết quả làm bài của HS sẽ được hiển thị ngay lập tức. Do đó, các em thấy hứng thú hơn với việc học trực tuyến.
Bên cạnh đó, thầy Vinh còn thành lập nhóm trên mạng xã hội để cùng các em trao đổi kiến thức, giải đáp thắc mắc. “Trên lớp, tôi chỉ cần giảng giải 1 lần là các em có thể nắm bắt được. Còn với việc học trực tuyến, không phải lúc nào các em cũng có mặt đông đủ nên một vấn đề có thể phải giải đáp nhiều lần”, thầy Trần Quang Vinh chia sẻ.
Cô Kim Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (TP.Bà Rịa) cũng cho hay, thời gian này, các thầy cô được tập huấn sử dụng một số phần mềm giảng dạy như hệ thống học trực tuyến VNPT E-Learning, mạng xã hội học tập ViettelStudy. Sau khi được tập huấn, các thầy cô tiếp tục nghiên cứu để áp dụng một cách hiệu quả nhất cho công tác giảng dạy. “Trong thời gian nghỉ để phòng chống dịch, các tổ bộ môn vẫn soạn bài đưa lên hệ thống học tập trực tuyến mỗi tuần một lần, vừa để ôn lại kiến thức cũ, vừa đưa thêm kiến thức mới cho các em. HS sẽ tải bài tập xuống để làm và các thầy cô sẽ sửa bài khi đi học lại”, cô Kim Thành nói.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI