.

Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật: 11:21, 01/02/2020 (GMT+7)

Với nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, ẩm thực sôi nổi, Hội trại xuân đồng bào các dân tộc thiểu số TX.Phú Mỹ không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu xuân mà còn giúp bà con ôn lại giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

Nội dung đua cà kheo thu hút nhiều vận động viên nữ tranh tài.
Nội dung đua cà kheo thu hút nhiều vận động viên nữ tranh tài.

Hội trại xuân đồng bào các dân tộc thiểu số TX. Phú Mỹ diễn ra trong 2 ngày 30-31/1 (tức mùng 6 và 7 Tết Canh Tý). Tuy nhiên, ngày 30/1, trên các  đường dẫn vào TTVH-HTCĐ phường Hắc Dịch nhộp nhịp hẳn với cờ phướn, băng rôn đỏ rực. Dù 7 giờ tối lễ khai mạc hội trại mới diễn ra, thế nhưng tầm 4 giờ chiều, các tiểu trại đã được dựng xong. Tiếng nam thanh nữ tú cười nói, chọc ghẹo nhau huyên náo. Trẻ em xúng xính áo mới, tung tăng chạy nhảy khắp nơi.

Hầu như chẳng ai còn nhớ hội trại đầu tiên được tổ chức từ khi nào. Họ chỉ biết cứ Tết đến lại được hội tụ cùng nhau đốt lửa trại, biểu diễn văn nghệ dân gian, nấu cơm lam, canh bồi, giao lưu bóng đá, thi đẩy gậy, vật tay, bắn nỏ, đi cà kheo. Năm nay 80 tuổi, bà Dương Thị Đề (ở ấp Bàu Ri, xã Sông Xoài) chia sẻ, mỗi năm, bà đều mong chờ ngày này để được cùng con cháu ôn lại các sinh hoạt cộng đồng của đồng bào mình. Những năm trước, bà trực tiếp chế biến món ăn để tham gia thi tài, nhưng năm nay bà chỉ tư vấn, hướng dẫn cho con cháu tự làm. “Cơm lam, canh bồi giờ gần như không còn trong bữa ăn ngày thường mà chỉ xuất hiện trên mâm cúng, giỗ nên nguy cơ thất truyền rất lớn. Việc chỉ dạy cho con cháu nấu nướng để thi thố tại hội trại vừa tạo niềm vui, gắn kết cộng đồng, đồng thời là cách giúp thế hệ trẻ duy trì, gìn giữ nếp văn hóa truyền thống của đồng bào”, bà Đề cho hay.     

Trời tối dần, bên ánh lửa trại bập bùng lễ khai mạc bắt đầu với phần trình diễn các tiết mục ca múa nhạc về mùa xuân, đất nước như: Chiều lên bản thượng, Hát múa cầu mưa, Châu Ro ơn Đảng, Tết Nguyên đán… Các tiết mục văn nghệ do chính những giọng ca “vườn” là con em đồng bào Châu Ro biểu diễn, song vũ điệu, trang phục có sự đầu tư kỹ lưỡng. Các tiết mục dàn dựng đẹp, trình diễn hết mình trong tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo người xem.

31/1 (mùng 7 Tết) hội trại tiếp tục với các phần thi bắn nỏ, vật tay, đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy bao bố. Ở phần thi bắn nỏ, mọi người như nín thở mỗi khi nỏ được giương lên nhắm đích và vỡ òa niềm hân hoan khi mũi tên trúng đích. Người xem như quên hẳn tiết trời nắng nóng, reo hò, cổ vũ nhiệt tình tăng thêm khí thế cho các vận động viên. Người chơi không quan trọng thắng thua, chủ yếu được vui, được ôn lại những sinh hoạt truyền thống của tổ tiên. Ông Dương Văn Bạch (61 tuổi, tiểu trại Châu Pha) cho hay, năm nào ông cũng thi bắn nỏ. “Khi thi đấu, tôi được sống với khí thế dũng mãnh, chế ngự thiên nhiên, sinh tồn bằng những công cụ thủ công của tổ tiên nên không nhất thiết phải thắng mà chủ yếu thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai và mang đến niềm vui, tiếng cười cho người xem”, ông Bạch nói. 

Nếu như nam giới thể hiện sức mạnh trong thi đấu thể thao thì phụ nữ trổ tài nấu nướng đang qua các món cơm lam, canh bồi, giã bánh dày. Đây cũng là những món ăn truyền thống được đồng bào Châu Ro làm để cúng trong các dịp lễ hội, đãi khách. Với những nguyên liệu sẵn có như lúa nếp, măng, lá lùng, đọt mây… dưới bàn tay chế biến khéo léo của các chị, tỏa hương thơm ngào ngạt cả khu vực trại. Chị Dương Thị Gái (tổ 8, khu phố 1, phường Hắc Dịch) cho biết: “Tổ tiên chúng tôi quen với nghề săn bắn, hái lượm nên thanh niên, trai tráng trong làng đều rất giỏi cung tên, đi cà kheo và đấu vật. Phụ nữ thì khéo bếp núc”. Em Dương Anh Thy (12 tuổi, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài) thổ lộ: “Năm nào em cũng được cha mẹ cho tham dự hội trại. Qua hội trại em học hỏi được nhiều điều như cách dựng trại, cách chế biến các món ăn truyền thống, hiểu biết thêm về những giá trị văn hóa của tổ tiên khiến em thêm tự hào về dân tộc mình”.

Hội trại đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bà con dân tộc thiểu số, giúp bà con thêm gắn kết, duy trì và phát huy bản sắc dân tộc của mình. Hội trại sẽ tiếp tục được tổ chức vào các năm tiếp theo. “Ban tổ chức sẽ nghiên cứu thêm nhiều yếu tố mới lạ để hội trại thực sự trở thành sân chơi văn hóa tinh thần cho bà con các dân tộc”, ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng Phòng Dân tộc TX.Phú Mỹ, Phó Ban Tổ chức hội trại cho biết.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

.
.
.