Đừng so sánh con của bạn với đứa trẻ khác!
Ngày nay, hễ khi trẻ làm điều gì đó khiến cho cha mẹ cảm thấy không hài lòng, thì không ít phụ huynh thường hay có thói quen mang con mình ra so sánh với những đứa trẻ khác giỏi hơn.
Đối với những phụ huynh mang con mình ra so sánh với những đứa trẻ khác suy cho cùng cũng xuất phát từ sự sĩ diện của một số người mà nên. Họ không muốn con mình thua kém những đứa trẻ khác nên họ đã hành động như thế hòng giúp trẻ có thêm động lực để phấn đấu. Tuy nhiên, liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu giúp cho con họ tiến bộ hơn?
Thực tế có nhiều hành động so sánh những đứa trẻ với nhau của một số phụ huynh như: trong học tập, kỹ năng sinh hoạt hàng ngày… Một khi mang trẻ ra so sánh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, so sánh vô tình tạo áp lực cho trẻ. Điển hình như trong học tập chẳng hạn. Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh khi so sánh và biết con mình thua kém bạn bè thì họ lập tức rầy la, chửi mắng trẻ. Không những thế, khi biết con mình bị điểm thấp, có phụ huynh bắt phạt trẻ, rồi hăm he, mắng mỏ, thậm chí có người còn ra tay đánh trẻ. Với lý do là hàng ngày không chịu cố gắng học nên làm bài kiểm tra bị điểm thấp, không bằng bạn bè.
Thứ hai, so sánh sẽ khiến trẻ sống thụ động hơn. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ khi so sánh sẽ giúp con họ có thêm động lực học tiến bộ hơn. Tuy nhiên, đây là điều sai lầm. Bởi, khi phụ huynh so sánh thì trẻ cứ nghĩ rằng bản thân các em không bằng người khác. Có cố gắng cách mấy cũng bằng thừa. Chẳng được gì, rồi cũng sẽ thất bại. Do đó, trẻ đành buông xuôi, không có ý chí phấn đấu. Từ đó khiến trẻ ngày một tệ hơn.
Thứ ba, so sánh sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ. Một khi phụ huynh mang trẻ ra so sánh càng giúp các em nhận thấy rõ hơn việc bản thân mình bị thua kém bạn bè. Lúc đó, càng khiến cho trẻ thêm bực bội, khó chịu trong lòng. Các em luôn tự cho mình là người vô dụng. Dần dà dẫn đến việc trẻ có những suy nghĩ và hành động tiêu cực, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ về sau.
Như chúng ta biết, mỗi đứa trẻ đều có khả năng nhận thức ở từng mức độ, tài năng và đặc điểm khác nhau. Các em có thể không bằng bạn về mặt này, nhưng có thể hơn bạn về lĩnh vực khác. Nếu phụ huynh đòi hỏi quá cao đối với trẻ ở lĩnh vực mà các em không đủ khả năng thực hiện, thì thử hỏi làm sao các em có thể làm tốt như mong muốn của phụ huynh được.
Làm cha mẹ, điều quan trọng là nên hướng dẫn cho trẻ biết điều gì đúng, điều gì sai. Cái gì nên làm và không nên làm. Cần nhận biết ưu điểm của trẻ để giúp trẻ phát huy. Chúng ta không nên mang con mình ra so sánh với những đứa trẻ khác. Miễn sao đứa trẻ đó sống tốt và phát triển hơn so với bản thân trẻ lúc trước đó là được.
NGUYỄN VĂN DÔ