Đừng để con vô cảm
Mặc dù vợ tôi làm gần trường học của con, cách chừng 500m, nhưng mỗi ngày cô ấy đều “ra chỉ thị” cho tôi đến đón con sau giờ tan ca. Thật ra chuyện cũng không có gì lạ, bởi nàng sợ nếu nàng đón con thì tôi sẽ rảnh rang tay chân, la ca cùng đám bạn ở các quán nhậu. Chính vì thế việc tôi đón con được xem là “kế hoạch hoàn hảo” của nàng.
Cũng như mọi ngày, chiều nay tôi lại phải làm nhiệm vụ đứng chờ con tan học. Đang loay hoay chẳng biết giải quyết thế nào với đống tờ rơi mà nhân viên tiếp thị quẳng vào giỏ xe, thì một thằng bé lem luốc tiến lại mời tôi mua vé số. Thật ra tôi không thích chơi trò may rủi, nhưng nhìn thấy vẻ mặt khắc khổ, đôn hậu của thằng bé làm cho tôi động lòng. Tôi vội lấy ví ra mua giúp nó 5 tờ. Đúng lúc ấy, thằng con tôi từ trong trường lót tót chạy ra, quát:
- Tránh ra đi, hôi quá!
Tôi vội nhét tiền vào túi thằng bé (không quên cho thêm nó 10 ngàn đồng) trước khi con trai tôi xô nó ra.
Trên đường về nhà, tôi phê bình con:
- Hành động của con lúc nãy ba không tán thành. Thằng bé đó không phải là người xấu, lại đồng trang lứa với con, tại sao con quát nạt nó?
- Con không chịu nổi cái mùi hôi của nó!
- Tuy nó dơ bẩn, nhưng nó biết lao động để tự nuôi bản thân, khác với những kẻ lành lặn nhưng giả đui mù để gạt tiền người khác. Con cần xem đó là sự cảm thông, ngưỡng mộ chứ không được kỳ thị, vô cảm như vậy! Ở trường cô giáo cũng dạy con làm người phải biết thương cảm trước những mảnh đời khó khăn mà, đúng không?
- Dạ… con xin lỗi ba!
Chỉ mấy lời khuyên ngắn gọn thôi nhưng xem ra thằng con tôi có vẻ thông suốt sự việc. Nhưng chợt thằng bé sực nhớ ra một chuyện, vội hỏi tôi:
- Ba ơi, thế cái hôm mà ba con mình ở siêu thị, có được xem là thái độ vô cảm không hả ba?
- Hôm nào con trai?
- Chủ nhật tuần rồi đó ba. Hôm ấy có một bé trai đi lạc khóc mếu máo. Con năn nỉ ba đi tìm ba mẹ của bé nhưng ba lại kéo con đến quầy tính tiền, để thằng bé cứ đứng khóc mãi. Cũng may có một chị đến dẫn bé đi.
Tôi điếng người vì cách “nói khéo” của con:
- Ờ… ba nhớ rồi! Đúng là hôm đó ba vô cảm thiệt! Thôi, cho ba xin lỗi con nghen. Bây giờ ba và con giao ước như vầy nè, từ đây về sau, hai ba con mình không được vô cảm khi bắt gặp những chuyện đáng thương ngoài phố. Đồng ý với ba không?
- Con đồng ý hai tay, hai chân luôn - thằng bé hài hước reo to.
Thực ra hôm đó tôi định dẫn thằng bé đến quầy tiếp tân nhờ cô nhân viên đọc loa thông báo có trẻ đi lạc. Nhưng vì ngay lúc ấy có công việc đột xuất ở công ty nên tôi vội kéo con đến quầy tính tiền nhanh. Tôi không quên nhờ cô sinh viên cạnh đó đưa bé đến quầy tiếp tân giúp.
Giáo dục con, cho con thân thiện với cộng đồng, với những gì xung quanh trẻ là rất khó. Nhưng nó sẽ trở nên đơn giản nếu như ta biết đặt mình vào hoàn cảnh của con, làm bạn cùng con, đặc biệt là chính bản thân mình phải làm gương cho con mọi lúc. Có như vậy mới uốn nắn trẻ thành người tốt và dạy cho trẻ biết rằng vô cảm là một thói xấu cần phải loại bỏ.
NGUYỄN HOÀNG DUY