.

Chi khám chữa bệnh BHYT vượt dự toán: Các bệnh viện gặp khó

Cập nhật: 17:58, 01/12/2019 (GMT+7)

Mặc dù chưa hết năm, nhưng hầu hết các bệnh viện (BV) trên địa bàn đều đã chi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT được giao (gọi tắt là vượt dự toán) với số tiền hàng tỷ đồng. Việc này đang khiến các BV rơi vào tình cảnh lao đao, khốn khó.

Do lượng bệnh nhân tăng, triển khai nhiều kỹ thuật điều trị cao nên chi phí KCB BHYT cho bệnh nhân tại BV Bà Rịa  ngày càng tăng. Trong ảnh: Các bác sĩ BV Bà Rịa thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư.
Do lượng bệnh nhân tăng, triển khai nhiều kỹ thuật điều trị cao nên chi phí KCB BHYT cho bệnh nhân tại BV Bà Rịa ngày càng tăng. Trong ảnh: Các bác sĩ BV Bà Rịa thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư.

VƯỢT HÀNG TỶ ĐỒNG

Năm 2019, các BV được giao tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT dựa trên tổng chi phí KCB của năm trước cộng với chi phí phát sinh trong năm. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10/2019, các BV đều chi vượt dự toán hàng tỷ đồng, đặc biệt là các BV đa khoa, có lượng bệnh nhân đông và nhu cầu KCB tăng cao.

Tại BV Bà Rịa, năm 2019, BV được giao dự toán là 167 tỷ đồng, tuy nhiên, tính đến hết tháng 10/2019, BV đã chi phí KCB BHYT là gần 200 tỷ đồng, vượt mức 33 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Ánh Minh, Trưởng Phòng Tài chính kế toán BV cho biết, năm 2018, BV đã thực chi KCB BHYT là 280 tỷ đồng, trong khi mới chỉ được tạm ứng có 234 tỷ đồng, còn 46 tỷ đồng chưa được thanh toán. Năm 2019 với tình hình vượt quỹ như hiện nay, BV sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng nợ đọng các khoản tiền mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế… phục vụ cho KCB BHYT. Tính đến tháng 10, tổng số tiền BV đang nợ của các công ty cung cấp thuốc, máu, hóa chất, dịch truyền là 92 tỷ đồng, trong đó 24 tỷ đồng là nợ quá hạn. BV phải tìm đủ mọi cách thương lượng với các đơn vị cung cấp để không bị cắt nguồn cung cấp thuốc men. Tuy nhiên, việc cung cấp khá nhỏ giọt, nên có những lúc BV bị thiếu thuốc, nhất là thuốc cấp cứu, buộc phải chuyển viện cho bệnh nhân. “Hiện tại BV đang lên kế hoạch chi tiền thưởng cho cán bộ, nhân viên, ước tính khoảng 14,4 tỷ đồng. Nếu không được sớm thanh toán tiền KCB BHYT, BV chưa biết phải xoay xở ra sao để lo tiền thưởng Tết cho anh em”, bà Minh lo lắng.

Hiện nay, BV đang từng bước nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ bác sĩ, do đó số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại BV ngày càng tăng lên, là một trong những nguyên nhân khiến BV bị chi vượt dự toán.  Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Phòng Cấp cứu, BV Lê Lợi.
Hiện nay, BV đang từng bước nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ bác sĩ, do đó số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại BV ngày càng tăng lên, là một trong những nguyên nhân khiến BV bị chi vượt dự toán. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Phòng Cấp cứu, BV Lê Lợi.

Tương tự, tại BV Lê Lợi có tới 95% bệnh nhân sử dụng BHYT. Tính đến tháng 10/2019, BV đã chi vượt so với số tiền BHYT giao dự toán là 11,3 tỷ đồng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi cho hay, năm 2018, BV đã chi vượt dự toán BHYT 59 tỷ đồng (tổng chi thực tế là 162 tỷ đồng). Năm nay, BV lại được giao tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT thấp hơn so với số thực chi của năm ngoái gần 10 tỷ đồng, chưa kể BV còn phải gánh thêm phần chi BHYT cho Phòng bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh với chi phí từ quỹ BHYT từ 8-10 tỷ đồng/năm. “Nếu không được giao thêm tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT, BV sẽ rất khó khăn khi phải cân đối nguồn quỹ chi phí cho hoạt động KCB”, bác sĩ Phước nói.

CHI VƯỢT VÌ NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN

Theo BHXH tỉnh, việc giao tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT nhằm bảo đảm tạo sự chủ động cho các cơ sở y tế trong việc cân đối nguồn quỹ BHYT chi cho KCB, hạn chế được việc lạm dụng kỹ thuật cao trong KCB, bảo đảm nguồn quỹ chung của toàn tỉnh không bị vượt. Tuy nhiên, trên thực tế, theo lý giải của các BV, việc vượt dự toán như đã nói trên do nguyên nhân khách quan. Bà Nguyễn Thị Ánh Minh phân tích: “BV Bà Rịa có công suất giường bệnh thiết kế là 700 giường nhưng những năm gần đây luôn trong tình trạng quá tải, vượt công suất. Hiện nay, công suất giường bệnh trung bình mỗi ngày luôn có từ 800 đến 850 bệnh nhân, cao điểm lên tới 1.000 bệnh nhân. Bên cạnh đó, BV liên tục phát triển các kỹ thuật KCB cao, tương đương với BV tuyến trên, và đều nằm trong danh mục được BHYT thanh toán. Do đó, chi phí KCB BHYT sẽ phải ngày càng tăng lên, trong khi dự toán giao thấp hơn chi phí thực tế nên việc vượt quỹ là tất yếu”.

Việc giao dự toán thấp hơn thực tế, sau đó phải đi giải trình đề xuất mới được thanh toán bổ sung gây mất thời gian, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng KCB BHYT và hoạt động của BV. Do đó, BHXH tỉnh khi nghiên cứu, đề xuất việc giao tổng mức thanh toán chi phí KCB cho các đơn vị để tham mưu UBND tỉnh, thì cần phải có phối hợp, thảo luận với Sở Y tế và đơn vị. Mức thanh toán chi phí KCB giao cho các đơn vị phải dựa trên nhu cầu KCB thực tế tại các BV.

(Bà Nguyễn Thị Ánh Minh, Trưởng Phòng Tài chính kế toán BV Bà Rịa)

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước lý giải: “Hiện nay, BV đang từng bước nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ bác sĩ, do đó số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại BV ngày càng tăng lên. Năm ngoái công suất giường bệnh tại BV chỉ đạt 80%-82% (tỷ lệ tính trên 450 giường) thì hiện nay đã đạt từ 90%-100%. Lượt khám ngoại trú cũng tăng so với năm ngoái. Giá viện phí tăng và nhiều kỹ thuật mới đang triển khai cũng khiến BV chi KCB BHYT vượt dự toán”.

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt tỉnh cho rằng, BV Mắt tỉnh cũng có đến 86% bệnh nhân đến KCB bằng BHYT. Nhờ thực hiện tự chủ tài chính, lượng bệnh nhân của BV hiện đang tăng lên, áp dụng nhiều kỹ thuật KCB cao hơn. Vì vậy, chi phí KCB cũng cao hơn khiến BV chi vượt dự toán khá nhiều. Việc thanh toán số tiền bị vượt thường rất chậm và kéo dài, BV sẽ không biết lấy tiền đâu để chi trả tiền thuốc men, tiền lương cho y, bác sĩ.

Theo Quyết định 307 ngày 14/2/2019 của UBND tỉnh về việc giao tổng mức thanh toán chi khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh năm 2019, tổng mức thanh toán khám chữa bệnh BHYT toàn tỉnh được giao cho các cơ sở KCB là hơn 784 tỷ đồng, chi chăm sóc sức khỏe ban đầu là 12,435 tỷ đồng, chi thanh toán trực tiếp là 2,109 tỷ đồng, quỹ dự phòng tại tỉnh là 39,487 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, trong bối cảnh nguồn quỹ BHYT có hạn, thì việc giao tổng mức thanh toán chi phí KCB cho các cơ sở phải “liệu cơm gắp mắm”, nhằm bảo đảm mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tổng mức thanh toán chi phí KCB của toàn tỉnh do BHXH Việt Nam giao dựa trên số thu BHYT của tỉnh. Theo đó, BHXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh có Quyết định phân bổ cho các đơn vị. Tuy nhiên, nếu việc vượt dự toán của các đơn vị do yếu tố, nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như lượng bệnh tăng, xảy ra dịch bệnh sẽ được BHXH Việt Nam giao bổ sung để thanh toán số tiền vượt cho các đơn vị. Còn những khoản chi vượt do nguyên nhân chủ quan, lạm dụng quỹ sẽ không được thanh toán. BHXH tỉnh đã đề xuất BHXH Việt Nam điều chỉnh giao bổ sung tổng định mức thanh toán BHYT của tỉnh. Sau khi được điều chỉnh, bổ sung, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế điều chỉnh tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt cho từng cơ sở. Việc giao dự toán sang năm tới, BHXH tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của các đơn vị để tham mưu UBND tỉnh có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Trước những khó khăn của các đơn vị, Sở Y tế đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh và các đơn vị để bàn phương án tháo gỡ, đồng thời có văn bản báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương để sớm có giải pháp khắc phục.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
.
.
.