Xét hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam: Gian nan việc xác minh hồ sơ
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu đến tận hôm nay. Trong đó, có những người từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin (CĐDC). Tuy nhiên, việc xác lập hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp dành cho nạn nhân CĐDC (NNCĐDC) vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Lê Chí Khới (TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc-bên trái) hiện đang phải bổ sung hồ sơ xác minh về chiến trường tham gia chiến đấu để được hưởng chế độ trợ cấp NNCĐDC. |
DI CHỨNG NẶNG NỀ
Ông Nguyễn Xuân Bằng (SN 1950, ngụ ấp Láng Găng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) quê ở Nam Định, đi bộ đội và tham gia chiến trường Bình Trị Thiên từ tháng 5/1968, tham gia chiến dịch đánh sân bay Khe Sanh năm 1970-1971 và 81 ngày đêm giải phóng Quảng Trị, phục vụ xây dựng hậu cứ ở A Lưới (Thừa Thiên Huế). Năm 1978, ông Bằng rời quân ngũ, đi vào miền Nam lập nghiệp, lấy vợ sinh con. Do ảnh hưởng của các vết thương trong chiến tranh, sức khỏe ông Bằng ngày càng giảm sút, thường xuyên đau ốm. Tuy nhiên, điều khiến ông Bằng đau xót hơn là những đứa con của mình.
Năm 1982, đứa con đầu của vợ chồng ông Bằng vừa sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh và mất ngay sau đó. Năm 1984, đứa con thứ 2 chào đời cũng không lành lặn và mất sau sinh. Năm 1993, người con thứ 3 sinh ra may mắn hơn được sống sót, nhưng bị dị tật bẩm sinh, hở hàm ếch, bị tật mắt phải. Do bản thân hay bệnh tật, con cái bị tật nguyền, thường xuyên ốm đau nên điều kiện kinh tế gia đình ông Bằng hết sức khó khăn. Căn nhà ông Bằng hiện đang ở là do Hội NNCĐDC huyện Xuyên Mộc hỗ trợ xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Cử cùng các con bị tật nguyền nghi do ảnh hưởng bởi nhiễm chất độc hóa học thời kỳ ông Cử tham gia chiến đấu. |
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Bằng rơm rớm nước mắt cho biết, trong thời gian phục vụ quân ngũ, ông chiến đấu ở địa bàn Bình Trị Thiên, thường xuyên phải ăn cơm vắt với rau rừng, uống nước suối. Có lẽ những ngày ở chiến trường nghiệt ngã ấy là di họa về sau. Bản thân ông Bằng hiện đang bị bệnh tiểu đường tuýp 2, căn bệnh nằm trong danh mục những người bị nhiễm CĐDC mắc phải theo quy định của Bộ Y tế. Năm 2007, ông Bằng có làm hồ sơ để xin được hưởng chính sách hỗ trợ NNCĐDC, nhưng nhiều lần hồ sơ bị trả về do chưa đầy đủ giấy tờ. Hiện tại, hồ sơ của ông Bằng còn phải có xác nhận đã tham gia chiến trường nào bị quân đội Mỹ rải chất độc dioxin. “Chiến tranh đã lùi xa, việc về lại chiến trường xưa xác minh, tìm người làm chứng rất khó khăn. Giờ tôi tuổi già sức yếu, bản thân đang mang nhiều bệnh nên không thể đi xác minh hồ sơ được. Hơn nữa, biết đồng đội ai còn, ai mất để tìm người làm chứng về thời gian, địa điểm mà tôi từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, sớm xem xét giải quyết để tôi và con tôi sớm nhận được sự hỗ trợ của chính sách dành cho NNCĐDC”, ông Bằng kiến nghị.
Cũng như nhiều cựu chiến binh khác từng đi qua những năm tháng bom đạn, ông Nguyễn Văn Cử (SN 1953, ngụ tổ 5, ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) còn nhớ như in những ký ức đầy gian khổ và hào hùng khi trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị từ năm 1970 đến năm 1975. Đây cũng là quãng thời gian quân Mỹ rải chất độc hóa học nhằm triệt phá tuyến giao thông huyết mạch đường Trường Sơn. Mặc dù vậy, mãi sau này khi đã phục viên, lập gia đình và sinh ra những đứa con dị tật, dị dạng, ông Cử mới biết bản thân đã nhiễm phải thứ chất độc quái ác đó.
Vợ chồng ông Cử sinh được 5 người con, trong đó 2 con trai và 1 con gái bị bệnh tâm thần, 2 con gái còn lại thì bị câm điếc bẩm sinh. Đến thăm gia đình ông Cử, chúng tôi bắt gặp ánh mắt vô hồn, nụ cười ngây ngô của những người con ông Cử mà lòng không khỏi xót xa. Hiện tại, 5 người con ông Cử tuy đã lớn tuổi (con trai đầu đã 41 tuổi, con gái út 16 tuổi) nhưng vẫn không nhận biết được nhiều thứ xung quanh, mọi sinh hoạt ăn uống, tắm rửa, vệ sinh đều cần người giúp đỡ. Ông Cử kể, một lần con của ông Cử (bị bệnh tâm thần) lên cơn bệnh, đã châm lửa đốt nhà, khiến toàn bộ giấy tờ quân nhân của ông Cử đều cháy sạch. Vì vậy, hồ sơ của ông Cử không chứng minh được tính xác thực, nên cơ quan LĐ-TB-XH tiếp nhận hồ sơ phải trả về nhiều lần để yêu cầu bổ sung. “Bây giờ, điều tôi lo lắng là khi vợ chồng tôi mất đi thì ai là người lo cho các con? Mong rằng, tôi và các con sớm được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết chế độ trợ cấp NNCĐDC”, ông Cử bày tỏ.
VƯỚNG THỦ TỤC XÁC MINH
Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội NNCĐDC và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, hàng năm, các cấp Hội NNCĐDC, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp… cho các nạn nhân. Nhưng nhìn chung, đời sống kinh tế của các trường hợp NNCĐDC trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khó khăn. Hầu hết các nạn nhân đều mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu, ốm đau nằm viện dài ngày hoặc mắc các chứng bệnh nan y, hiểm nghèo. Đau đớn hơn, nhiều cặp vợ chồng sinh ra những đứa con dị dạng, dị tật bẩm sinh. “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều người nghi phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu, nhiều người tham gia kháng chiến bị mất giấy tờ gốc, khiến cho công tác xác minh hồ sơ gặp nhiều khó khăn, nên chưa được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp”, ông Nguyễn Văn Nhân cho hay.
Ông Võ Ngọc Siêng, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, đến đầu năm 2019, trên địa bàn xã Bình Châu hiện có khoảng 50 trường hợp là thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại các chiến trường bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học, nhưng chưa được hưởng chế độ trợ cấp. “Cơ quan thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn thủ tục đối với người có thời gian tham gia kháng chiến ở vùng bị rải chất độc hóa học, nhưng không còn lưu giữ được giấy tờ gốc chứng minh có tham gia hoạt động ở chiến trường B, C, K từ ngày 01/8/1961 đến ngày 30/4/1975”, ông Võ Ngọc Siêng kiến nghị.
Theo thống kê của Hội NNCĐDC tỉnh, trên địa bàn hiện có hơn 3.500 người nghi bị ảnh hưởng bởi CĐDC (hơn 1.500 người bị ảnh hưởng trực tiếp và khoảng 2.000 người bị ảnh hưởng gián tiếp). Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 940 trường hợp được hưởng trợ cấp NNCĐDC. |
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh cho biết, theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH, để được hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, phải đáp ứng 2 trong số 3 điều kiện được quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 01/8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K; do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một số loại bệnh theo danh mục của Bộ Y tế làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; vô sinh; con bị dị dạng, dị tật nằm trong danh mục 17 loại bệnh dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định. “Những trường hợp nghi phơi nhiễm chất độc hóa học thời kỳ chiến tranh đang có hồ sơ trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB-XH tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương để xác minh, trên cơ sở đó có hướng giải quyết phù hợp theo quy định pháp luật”, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG, NGỌC BÍCH