Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021: Hài hòa lợi ích các bên
Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng theo lộ trình hàng năm cho đến khi lao động nam đủ 62 tuổi và lao động nữ 60 tuổi. Bộ luật được đánh giá là hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Công nhân may tại Khu công nghiệp huyện Đất Đỏ. |
TĂNG TUỔI NGHỈ HƯU THEO LỘ TRÌNH
Từ năm 2021, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu, để đến năm 2028 lao động nam đạt độ tuổi nghỉ hưu là 62; đến năm 2035, lao động nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là tăng dần đều, tăng chậm theo hướng lao động nam mỗi năm tăng 3 tháng và lao động nữ tăng mỗi năm 4 tháng. Tuy nhiên, ở một số ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại, người lao động có thể xin nghỉ hưu sớm hơn.
Việc điều chỉnh tăng tuổi hưu sẽ tác động lớn đến NLĐ và tùy thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, NLĐ trực tiếp sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi tăng tuổi nghỉ hưu. Chị Hà Thị Bích Liễu (29 tuổi), công nhân may Công ty TNHH Sản xuất Giày Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho biết, công việc của chị thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vì vậy, chị và những lao động trong nhóm này được nghỉ hưu trước tuổi 5 năm, nghĩa là nam được nghỉ khi đủ 57 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. “Quy định là vậy, nhưng lâu nay nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất giày da, may mặc đều xin nghỉ hưu sớm, nhất là lao động nữ. Do đó tôi nghĩ, quy định luật mới không ảnh hưởng nhiều và khá hợp lý đối với lao động làm việc như mình”, chị Liễu nói.
Cũng thuộc nhóm lao động trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, anh Nguyễn Trung Hiếu (32 tuổi), công nhân Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) cho rằng tùy theo điều kiện và sức khỏe, NLĐ có thể chọn độ tuổi nghỉ hưu phù hợp mà quyền lợi vẫn được bảo đảm. “Ngoài việc được nghỉ hưu sớm không quá 5 năm so với quy định, lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại nếu cộng thêm 61% suy giảm sức khỏe thì có thể nghỉ hưu sớm hơn nữa”, anh Hiếu phân tích.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tác động không quá lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức. Chị Nguyễn Thị Đức Mỹ (42 tuổi), cán bộ xã Long Phước, TP. Bà Rịa cho biết: “Công việc tôi đang làm là công chức nhà nước và tôi nghĩ việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu với cán bộ, công chức, viên chức như vậy là hợp lý. Đặc biệt, tuổi nghỉ hưu tăng sẽ tạo điều kiện cho NLĐ tiếp tục đóng góp trí tuệ, tài năng, sức lao động cho sự phát triển chung của tỉnh và đất nước”.
PHÙ HỢP VỚI XU THẾ
Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương, Sở LĐTBXH cho rằng việc tăng tuổi hưu là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách BHXH. Ông Hùng phân tích, để bảo đảm mức lương hưu của NLĐ đủ sống thì cần tăng mức lương được hưởng khi nghỉ hưu bằng cách tăng tiền thực tế NLĐ phải đóng và tăng thời gian đóng BHXH. Bên cạnh đó, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên. Việc nghỉ hưu sớm sẽ kéo dài thời gian hưởng BHXH, làm tiền lương hưu của NLĐ thấp xuống.
Trong thực tế, nhiều NLĐ đã nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm thêm bên ngoài. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo điều kiện cho NLĐ có thêm thời gian để cống hiến cho công việc và xã hội. “Ngoài ra, vấn đề giải quyết việc làm ở nước ta hiện nay rất rộng mở, cơ hội việc làm cho lao động trẻ rất nhiều. Cùng với đó, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu kéo dài tới năm 2035 mới hoàn chỉnh nên tôi nghĩ tác động của vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với việc làm, đời sống của NLĐ không ảnh hưởng lớn. Tôi cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới và vì lợi ích lâu dài của xã hội”, ông Hùng cho biết.
Đứng về phía công đoàn, ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình là phù hợp với sự phát triển, xu hướng chung của thế giới. “Tôi nghĩ, trước xu hướng hiện nay thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là đúng. Tuy nhiên, giờ làm việc cần giảm để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ và giúp họ có thời gian tái tạo sức lao động”, ông Ngạn đề xuất.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN