Để cho họ biết
- Tui tức quá! Aladin trong “Aladin và cây đèn thần” không phải là người… Trung Quốc nhưng đứa con gái út của tui cứ gân cổ bảo phải.
- Nó quả quyết thế chắc có bằng chứng gì đó.
- Có, đó là cuốn “Aladin và cây đèn thần” do một nhà xuất bản trong nước ấn hành. Nó cao giọng đọc cho tui nghe: “Ngày xửa ngày xưa, tại một thị trấn nhỏ của nước Trung Hoa có một cậu bé tên là Aladin…”. Rồi nó còn chỉ cho tui thấy cả Aladin và tên phù thủy đều để tóc đuôi sam Mãn Thanh và miệng chào “Nỉ hảo”!.
- Thế thì ông thua là phải. Sách dù biên soạn không đúng nhưng khi thành sách thì nó đáng tin cậy, có sức thuyết phục hơn những gì tui với ông nói ngàn lần. Nhân đây nói lại chuyện cũ: Ngày trước cũng có một cuốn sách dành cho trẻ con để “lọt lưới” lá cờ Trung Quốc.
- Tui nhớ ngày ấy những người làm sách còn cố biện bạch sở dĩ phải đi mua sách của láng giềng về dạy cho các em nhỏ là vì sách bản quyền của Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với sách do tác giả trong nước biên soạn.
- Những người làm sách bảo nội dung sách bình thường, tui đề nghị dành riêng những cuốn sách này con cháu họ học.
- Ấy, sách sai trái, ai lại làm thế.
- Thì cũng phải cho họ biết chứ…
- Biết gì?
- Một ngày kia khi kiểm tra kiến thức con cháu mình, rằng cờ Tổ quốc có mấy sao và được nghe tụi nhỏ trả lời “năm sao”, nói vanh vách về đường lưỡi bò phi pháp, họ sẽ biết thế nào là… nhân quả.
HẢI LĂNG