Cẩn trọng khi sửa sắc đẹp - Kỳ 2: Sai phạm tràn lan, khó kiểm soát
Sau vụ tai biến gây mù mắt cho khách hàng của một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), ngành Y tế đã tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ. Kết quả kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm.
Đoàn kiểm tra hoạt động của một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. |
PHÁT HIỆN NHIỀU SAI PHẠM
Tham gia cùng đoàn kiểm tra, chúng tôi ghi nhận, dọc tuyến đường 27/4 thuộc khu phố Thạnh Sơn (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) mọc lên hàng loạt cơ sở làm đẹp. Hầu hết, các cơ sở này mới mở 1 năm trở lại đây. Trong đó, nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh, thậm chí, kể cả những cơ sở thực hiện dịch vụ phun, xăm, thêu có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện hoạt động (theo quy định, các cơ sở thẩm mỹ phải đăng ký kinh doanh với UBND cấp huyện). Chẳng hạn, salon làm tóc Đ.T nằm trên tuyến đường này hoạt động đã gần 1 năm nhưng chưa đăng ký kinh doanh.
Kiểm tra hoạt động phun, thêu tại cơ sở thẩm mỹ Đ.T, cơ quan chức năng ghi nhận, các dụng cụ phun, thêu, thuốc, màu mực đều không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở cho biết, chị học nghề phun, thêu tại một cơ sở thẩm mỹ ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó về đây hành nghề. Các dụng cụ phun, thêu đều mua qua giới thiệu của người quen. Chủ cơ sở giải thích: “Tôi mua dụng cụ phun, thêu ở các cơ sở thẩm mỹ uy tín tại TP. Hồ Chí Minh và hoàn toàn tin tưởng về chất lượng”.
Sắp tới đây, Sở Y tế sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, truyền thông kiến thức về các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực thẩm mỹ cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp. Trong ảnh: Đoàn lập biên bản kiểm tra sau khi thanh, kiểm tra hoạt động của một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP.Vũng Tàu. |
Theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 12/11/2018, đối với các cơ sở thẩm mỹ thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp (điểm d khoản 3 Điều 33 của Nghị định). Ngoài ra, theo quy định, loại hình cơ sở dịch vụ thẩm mỹ này phải có văn bản gửi về Sở Y tế để thông báo về điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ (trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ khi hoạt động). Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở thẩm mỹ đều không thực hiện bước thông báo này.
Tại TP. Vũng Tàu, qua thống kê của Phòng Y tế TP.Vũng Tàu, trên địa bàn có gần 50 cơ sở thẩm mỹ. Tuy nhiên, các cơ sở thẩm mỹ đều chưa thực hiện việc thông báo với Sở Y tế để quản lý đối với các dịch vụ xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất cơ sở thẩm mỹ Beauty salon N. trên đường 30/4. Cơ sở này có biển quảng cáo nhiều dịch vụ làm đẹp như: phun, xăm thẩm mỹ, xóa sửa-khử xanh-khử đỏ lông mày… Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở cho hay chưa thực hiện các dịch vụ như quảng cáo trên biển hiệu, do nhân viên đang đi học tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cơ sở này còn trưng bày các loại bột không bao bì, nhãn mác dùng đắp mặt nạ cho khách. Các loại bột này được đựng trong những hộp nhựa, bên ngoài ghi bằng bút lông để phân loại: Trà xanh, bạc hà, hoa hồng, vàng 24k. Một nhân viên của cơ sở phân bua: “Đây là các loại bột do chúng tôi tự làm, toàn là bột nguyên liệu thiên nhiên!”. Đoàn kiểm tra đã phân tích lỗi vi phạm của cơ sở và yêu cầu đại diện cơ sở tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm dưới sự chứng kiến của đoàn.
Ngoài những vi phạm kể trên, qua 2 đợt kiểm tra cho thấy, một số cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm làm đẹp như mỹ phẩm, dung dịch tạo màu, dụng cụ phun môi, lông mày, sơn móng tay… Các sản phẩm thẩm mỹ có nguồn gốc ngoại nhập nhưng không có nhãn phụ, không có chứng từ nhập khẩu. Một số cơ sở thực hiện dịch vụ làm đẹp ngoài danh mục thẩm mỹ được cho phép như phun chân mày, môi, hút mụn. Đoàn đã lập biên bản kiểm tra và mời chủ cơ sở lên tiếp tục làm việc, xử lý theo quy định của pháp luật.
CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÒN BẤT CẬP
Hiện nay, công tác quản lý dịch vụ thẩm mỹ còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy định, UBND cấp huyện cấp giấy phép kinh doanh và quản lý hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Trường hợp cơ sở thẩm mỹ có thực hiện các dịch vụ phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì phải có văn bản thông báo về điều kiện hành nghề gửi về Sở Y tế. Tuy nhiên, thực tế chưa có cơ sở nào thực hiện thủ tục này. Theo trình bày của các chủ cơ sở được kiểm tra, khi đăng ký kinh doanh, họ không được hướng dẫn thực hiện thủ tục thông báo này.
Mặt khác, điều đáng lo ngại là hiện nay, một số cơ sở thẩm mỹ liên kết để thực hiện dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn, nhưng việc này thường diễn ra âm thầm, có sự thỏa thuận “ngầm” giữa nhân viên cơ sở và khách hàng nên rất khó phát hiện. Chẳng hạn, trong vụ tiêm filler gây mù mắt của một bệnh nhân tại huyện Xuyên Mộc, cơ sở thẩm mỹ nơi bệnh nhân tiêm filler liên kết với một nhân viên ở TP. Hồ Chí Minh để thực hiện dịch vụ tiêm filler, nhấn mí, thu gọn cánh mũi… với giá rẻ. Sau khi biến chứng xảy ra, nạn nhân lại từ chối cung cấp thông tin về vụ việc để cơ quan chức năng xử lý.
Công tác quản lý loại hình dịch vụ thẩm mỹ đang tồn tại những bất cập như đã nêu trên, trong khi nhân lực về y tế để kiểm soát loại hình này đang rất mỏng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, theo phân cấp, Phòng Y tế trực thuộc UBND cấp huyện quản lý trực tiếp các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, nhân lực các phòng y tế cũng mỏng, chỉ từ 3-5 người phụ trách và còn kiêm nhiệm thêm nhiều hoạt động y tế khác nên khó bao quát hết công việc.
Theo thanh tra Sở Y tế, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường phối hợp với UBND huyện, thị, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra, rà soát các cơ sở thẩm mỹ, Sở Y tế sẽ tổ chức truyền thông, tập huấn cung cấp thông tin kiến thức pháp luật cho các chủ cơ sở làm đẹp, giúp các cơ sở này thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực thẩm mỹ.
Bài, ảnh: MINH THIÊN