.

Phòng ngừa biến chứng mắt do bệnh đái tháo đường

Cập nhật: 07:42, 25/10/2019 (GMT+7)

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) gây nhiều biến chứng cho mắt như: Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, đặc biệt là bệnh võng mạc. Tuy nhiên, với những tiến bộ của y học ngày nay, những biến chứng này có thể kiểm soát và phòng ngừa tốt.

Nhân viên y tế lấy máu làm xét nghiệm cho bệnh nhân ĐTĐ đang có bệnh về mắt tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Nhân viên y tế lấy máu làm xét nghiệm cho bệnh nhân ĐTĐ đang có bệnh về mắt tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM 

Chị Hoàng Thị Mai (42 tuổi, xã An Nhứt, huyện Long Điền) bị bệnh ĐTĐ gần 6 năm. Cách đây 1 năm, mắt chị bắt đầu giảm thị lực, mờ, gây khó khăn trong công việc và sinh hoạt. Sau đó chị đi khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh, phát hiện mắt có tổn thương xuất huyết võng mạc và phình mạch máu. Đây là những biến chứng do bệnh ĐTĐ gây ra. Sau 3 tháng điều trị, mắt chị đã hồi phục lại bình thường. Tuy nhiên, do đây là một biến chứng của bệnh ĐTĐ có thể tái phát bất kỳ lúc nào nên các bác sĩ đã tư vấn cho chị cần khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những biến chứng này và những biến chứng khác về mắt do ĐTĐ gây ra. 

Chị Mai là một trong số nhiều trường hợp bị biến chứng về mắt do bệnh ĐTĐ. Những biến chứng này nếu không được phát hiện sớm có thể gây ra mù lòa cho bệnh nhân, bởi nguy cơ mù lòa ở người ĐTĐ cao gấp 25 lần người bình thường. Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết, ngoài biến chứng ở võng mạc như trường hợp kể trên, bệnh nhân ĐTĐ còn gặp những biến chứng về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể. Trong đó, bệnh võng mạc ĐTĐ là một trong những biến chứng đặc trưng của bệnh lý ĐTĐ. Các tổn thương của bệnh rất đa dạng như: phình mạch, tăng sinh mạch máu, xuất huyết, xuất huyết võng mạc, phù điểm hoàng… Bệnh thường xuất hiện sau nhiều năm mắc ĐTĐ và gây ảnh hưởng rất lớn đến thị lực. So với tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể, điều trị bệnh lý võng mạc ĐTĐ phức tạp hơn và hiệu quả sau điều trị có thể không cải thiện hoàn toàn thị lực. Do đó, bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm.

ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Thuốc ức chế tân mạch (anti-VEGF) là lựa chọn hàng đầu để điều trị bệnh võng mạc ĐTĐ tăng sinh và phù hoàng điểm. Bên cạnh đó, phương pháp laser quang đông có vai trò nhất định, được áp dụng  nhằm điều trị ổn định ở bệnh nhân có bệnh võng mạc ĐTĐ. Phương pháp này có thể điều trị đơn lẻ hoặc phối hợp tiêm nội nhãn thuốc ức chế tân mạch (anti-VEGF). Ở  Bệnh viện Mắt tỉnh, kỹ thuật này được thực hiện trên máy thế hệ mới, có chế độ laser vi xung hiệu quả nhất hiện nay, có thể chiếu trực tiếp lên vùng hoàng điểm, giúp giảm phù nề mà không gây tổn thương hoàng điểm. 

Cách tốt nhất để phòng, chống các biến chứng về mắt, đặc biệt là bệnh lý võng mạc là người bệnh cần kiểm soát tốt và tích cực đường huyết ngay từ khi mới phát hiện bệnh. Khi chưa có biến chứng mắt, người bệnh ĐTĐ cần được khám chuyên khoa mắt 6 tháng đến 1 năm/lần nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng mắt của bệnh. Khi bị bệnh về mắt ĐTĐ, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ để có xử trí phù hợp nhằm bảo vệ thị lực cho bệnh nhân. Về phía người bệnh cần thực hiện các chỉ định, hướng dẫn điều trị và tái khám của bác sĩ. Ngoài việc kiểm soát đường huyết, người bệnh cần điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp và bỏ thuốc lá.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.