.

Những cửa tiệm lâu năm ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngọt ngào kem Sài Gòn

Cập nhật: 19:58, 24/10/2019 (GMT+7)

Mở cửa từ năm 1979, đến nay quán kem Sài Gòn đã tồn tại 40 năm và là quán kem lâu năm nhất ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Kem đa dạng, nhiều món, nhiều hương vị, bán kèm những món ăn vặt nên đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều khách hàng, ở nhiều lứa tuổi.  

Khách đến thưởng thức kem Sài Gòn.
Khách đến thưởng thức kem Sài Gòn.

Quán kem ở Vũng Tàu, mang tên Sài Gòn nhưng lại… không liên quan gì đến Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Nga (80 tuổi, chủ quán) giải thích, việc đặt tên như vậy đơn giản chỉ vì gia đình bà thích sự năng động, cởi mở của Sài Gòn. Trước đây, bà Nga từng làm việc trong ngành giáo dục. Sau đó, bà nghỉ việc và mở quán bán kem làm kế sinh nhai. Hiện nay, bà và vợ chồng người em trai điều hành hoạt động của quán và thuê 4 nhân viên phục vụ.

40 năm qua, tối nào kem Sài Gòn (22, Lý Thường Kiệt, phường 1, TP. Vũng Tàu) cũng nhộn nhịp khách từ khoảng 20 giờ đến 22 giờ 30. Người dùng tại chỗ, người mua mang đi. Theo thời gian và để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, kem Sài Gòn hiện nay có nhiều hương vị khác nhau: vani, dừa, cà phê, đậu xanh, lá dứa, dâu, cam, ca cao, chocolate, chanh dây, trái cây, sầu riêng, khoai môn... Ngoài ra, khách cũng có thể chọn kem từ 3 màu đến 9 màu, với giá từ 30.000 đồng/ly.

Khách đến quán khá đa dạng, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi: HS, SV, trẻ em và người lớn. Những ngày cuối tuần, quán còn đón cả khách du lịch. Ngoài việc thưởng thức tại chỗ, nhiều nhóm khách còn mua ký bỏ thùng xốp mang về làm quà. Ông Trần Văn Tấn (ngụ đường Trưng Nhị, TP. Vũng Tàu) chở theo vợ và cháu gái đến quán kem cho biết: “Hồi nhỏ, ba mẹ hay chở tôi ra quán kem Sài Gòn (khi đó quán nằm ở đường Trưng Nhị). Đến nay, tôi vẫn thích kem nên thỉnh thoảng chở bà xã và cháu ra quán. Bao năm qua, hương vị kem Sài Gòn vẫn giữ được sự ngọt ngào, hấp dẫn như vậy. Tôi thích nhất là kem cà phê. Mỗi ly có 1 viên kem, ít cà phê trộn với đá bào. Đưa vào miệng, vị ngọt của kem, xen chút đắng của cà phê, vị béo của sầu riêng và tỏa mùi thơm ngào ngạt khó quên. Ngoài ra, quán còn có bánh bông lan, bánh su và nước lá dứa cũng rất thơm, ngon”.

Theo bà Nga, trước đây, các công đoạn làm kem từ sơ chế nguyên liệu đến trộn, quay đều được làm thủ công. Ngày nay, máy móc hỗ trợ công đoạn vắt, quay nhưng hầu hết các công đoạn khác vẫn làm thủ công. Bà Nga chia sẻ, để làm ra được những viên kem mang hương vị riêng, bà phải cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, bảo quản. “Sầu riêng phải là những trái hạt lép, cơm dày vàng ươm, cho mùi thơm nồng. Dâu thì lựa những trái đỏ mọng, chín vừa, không bị dập, úng. Tất cả các nguyên liệu phải có nguồn gốc rõ ràng”, bà Nga nói.

Quán kem Sài Gòn trang trí theo kiểu không gian gia đình. Quán không rộng, chỉ vừa chỗ cho vài bộ bàn ghế nhưng luôn đông vui, bởi sự phục vụ nhiệt tình của chủ quán và các nhân viên. Ra đời sớm và duy trì hoạt động lâu năm, kem Sài Gòn đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục địa phương vào ngày 1/7/2009 là “Tiệm bán kem lâu năm nhất ở Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Khi có dịp đến với thành phố biển Vũng Tàu, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức kem Sài Gòn. Vẫn là những ly kem mát lạnh, ngọt thơm, nhưng khi được thưởng thức ngay tại thành phố biển, bạn sẽ có cảm nhận khác: Vị ngọt của kem tỏa hương vani, sầu riêng, cà phê... quyện trong vị mặn mòi của biển sẽ mang lại sự trải nghiệm khó quên.  

Bài, ảnh: PHI DŨNG

.
.
.