Đã được hướng dẫn, vẫn "nợ" giấy khai sinh cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ
Hiện nay, một số cơ sở bảo trợ, mái ấm tình thương trên địa bàn tỉnh còn nhiều trường hợp trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại đây chưa có các giấy tờ tùy thân như: giấy khai sinh, hộ khẩu, căn cước công dân (CCCD)... phần nào ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các em. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, việc cấp giấy khai sinh, CCCD không quá khó, chủ yếu “vướng” do các cơ sở chưa nắm rõ thủ tục.
Hiện tại, Tu viện Minh Đạo (xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ) có 3 em tuổi vị thành niên nhưng chưa làm được CCCD theo quy định, do chưa xác nhận được nguồn gốc quê quán, nhân thân. Trong ảnh: Các em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Tu viện Minh Đạo. |
ĐI HỌC CÒN “NỢ” HỒ SƠ
Thầy Thích Minh Đạo (tên thật Võ Tiến Dũng), Trụ trì Tu viện Minh Đạo (xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ) cho biết, hiện Tu viện Minh Đạo đang cưu mang, nuôi dưỡng gần 60 trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa. Hoàn cảnh của các em khi được nhận vào tu viện đều hết sức éo le, có em bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, phải lang thang, ăn xin, được phật tử đưa vào gửi gắm nhà chùa, mong cho các em có nơi ăn, chốn ở. Có em mẹ bỏ đi, cha mất vì bệnh, không ai nuôi dưỡng cũng được người quen đưa vào đây gửi. Cũng có em cha mẹ ly hôn, mỗi người bước thêm bước nữa, để con bơ vơ giữa dòng đời, người thân không ai nuôi dưỡng cũng được gửi vào tu viện.
Thời điểm nhận các em vào tu viện, do thầy Thích Minh Đạo chưa am hiểu về các thủ tục, giấy tờ liên quan đến cá nhân, nên không yêu cầu đưa giấy tờ gì xác nhận nhân thân từ phật tử mang các em tới. Từ thực tế này, hiện Tu viện Minh Đạo gặp khó khăn khi xác minh nhân thân, lai lịch khi đi làm các giấy tờ hộ tịch, khai sinh, CCCD cho các em.
Hiện nay, nhiều em đang được nuôi dưỡng tại Tu viện Minh Đạo đều sắp đến tuổi trưởng thành, nên rất cần các giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, hộ khẩu, CCCD… để làm hồ sơ cá nhân. Nhất là các em sắp tốt nghiệp THCS, THPT, chuẩn bị thi vào đại học, xin việc làm. Hiện tại, Tu viện Minh Đạo có 3 em trong trường hợp này, gồm: Trần Nhật Hào, SN 2002 đang học lớp 11; Phan Tuấn Anh, SN 2004 đang học lớp 10 và Trà Gia Huy, SN 2002 đang học lớp 9. Đến nay, thầy Thích Minh Đạo dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa làm được giấy khai sinh, CCCD cho các em, do chưa xác minh được nhân thân, lai lịch của từng em. “Em mong muốn làm được CCCD để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Tiếp đó, em còn muốn thi đại học để sau này ra trường tìm được việc làm sẽ phụ giúp thầy lo cho các em trong tu viện ăn học”, em Trần Nhật Hào bày tỏ.
Tương tự, ở Mái ấm Long Quang (TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức), hiện đang nuôi dưỡng 19 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ cũng gặp khó khi làm giấy tờ tùy thân cho các em. Hiện tại, Mái ấm Long Quang vẫn còn 3 em chưa có các giấy tờ tùy thân. Cụ thể, em Trương Hoài Minh, SN 2006, hiện đang học lớp 6; em Trương Minh Khánh, SN 2008, học lớp 5; em Trương Thị Bảo Ngọc, SN 2010, học lớp 1. Các em hiện đang theo học tại các trường trên địa bàn huyện Châu Đức. Được biết, quê của 3 em ở miền Tây, mẹ đã bỏ đi đâu không ai rõ, còn cha đã mất sau khi đưa các em vào Mái ấm Long Quang. Hơn 3 năm nay, Mái ấm Long Quang hoàn toàn mất liên lạc với mẹ của các em, nên hoàn toàn không biết trước đó các em đã được đăng ký hộ khẩu ở nơi nào để xin trích lục khai sinh.
Thầy Thích Quang Huy, Giám đốc Mái ấm Long Quang cho biết, để giải quyết cho các em đi học, mái ấm đã xin phép các trường cho các em “nợ” hồ sơ giấy tờ tùy thân (khai sinh, hộ khẩu…). “Thời gian qua, tôi có tìm gặp các cơ quan liên quan để hỏi và được hướng dẫn làm các thủ tục. Tuy nhiên, vì bận việc chăm lo cho các em khác trong mái ấm, tiền bạc còn hạn hẹp nên chưa có điều kiện về quê của các em ở miền Tây để xác minh nhân thân, lai lịch. Vì vậy, việc làm giấy tờ cho các em vẫn chưa thực hiện được”, thầy Thích Quang Huy chia sẻ khó khăn.
Trẻ em trong Tu viện Minh Đạo đều được học tập đầy đủ nhưng thiếu giấy tờ tùy thân. |
ĐÃ CÓ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Trịnh Thị Cánh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 700 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi đang được cưu mang, nuôi dưỡng tại các mái ấm, trung tâm bảo trợ xã hội. Qua khảo sát cho thấy, hiện chỉ có ở Mái ấm Thiên Thần (TX.Phú Mỹ) có 3 bé bị mắc bệnh bại não chưa làm được giấy khai sinh. Còn hầu hết các trường hợp trẻ cơ nhỡ, bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ đều đã được tạo điều kiện làm giấy khai sinh. Đối với những trẻ chưa xác minh được nguồn gốc, nhân thân để làm giấy khai sinh, các cở sở nuôi dưỡng cần phối hợp với cơ quan tư pháp và công an để xác minh nguồn gốc của trẻ.
Trường hợp kết quả xác minh không rõ nguồn gốc trẻ, không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh thì các cơ sở cùng với cơ quan tư pháp phối hợp với cơ quan y tế căn cứ lời khai và thể trạng của trẻ để xác định năm sinh khi làm thủ tục đăng ký khai sinh. Đối với ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh đã xác định để đăng ký khai sinh cho trẻ. Còn nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi, quê quán được xác định theo nơi sinh, quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong giấy khai sinh và sổ hộ tịch để trống… Các vấn đề liên quan đến việc xác định các thông tin trong giấy khai sinh của trẻ thuộc đối tượng nêu trên được thực hiện theo Điều 14, Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch về đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
Còn trường hợp các em ở Tu viện Minh Đạo, Mái ấm Long Quang đã có giấy khai sinh phô tô và bản sao, tức là đã có sự xác nhận của một địa phương nơi sinh ra. Trường hợp người bảo trợ muốn tìm hồ sơ gốc để tiến hành thêm các thủ tục giấy tờ liên quan tiếp theo, cần phải tìm đến địa phương có xác nhận trong giấy khai sinh để xin tra hồ sơ đầy đủ của người cần tra. Qua đó, việc làm CCCD cho các em sẽ được tiến hành đúng quy định của pháp luật. “Tin rằng, các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện để các trẻ em cơ nhỡ, bị bỏ rơi đang sinh sống tại các cơ sở nuôi dưỡng được làm đầy đủ các giấy tờ tùy thân” bà Trịnh Thị Cánh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG-NGỌC BÍCH