.

Cảnh báo ngộ độc Paracetamol

Cập nhật: 07:34, 18/10/2019 (GMT+7)

Paracetamol là một loại thuốc hạ sốt, giảm đau đang được dùng khá phổ biến do dễ mua và dễ sử dụng. Vì vậy mà tình trạng ngộ độc Paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên. Ngộ độc Paracetamol nhẹ thì tổn thương cho gan, nặng có thể gây tử vong.

Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ ngộ độc Paracetamol cần gây nôn cho bệnh nhân khi còn tỉnh táo và lập tức đưa đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Trong ảnh: Nhân viên y tế truyền thuốc cho bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Lê Lợi (ảnh minh họa).
Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ ngộ độc Paracetamol cần gây nôn cho bệnh nhân khi còn tỉnh táo và lập tức đưa đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Trong ảnh: Nhân viên y tế truyền thuốc cho bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Lê Lợi (ảnh minh họa).

NGỘ ĐỘC DO SỬ DỤNG QUÁ LIỀU

Mới đây, vào ngày 2/10, chị N.T.M.T đã được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Lê Lợi trong tình trạng nôn ói, mệt mỏi, đau bụng. Trước đó, gia đình chị phát hiện chị T. đã uống hơn chục vỉ thuốc Paracetamol nên đã lập tức đưa chị đi cấp cứu tại bệnh viện. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ cho thấy chị bị ngộ độc do sử dụng Paracetamol quá liều. Các bác sĩ đã tiến hành giải độc và hồi sức cho bệnh nhân. Do được cấp cứu kịp thời nên chị T. không bị tổn hại đến sức khỏe.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Lê Lợi cho biết, Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt, được sử dụng phổ biến trên thị trường và người dân có thể tự mua dễ dàng tại các quầy thuốc. Do dễ mua và dễ sử dụng nên không ít trường hợp sử dụng thuốc này quá liều, phần lớn là cố ý (do có ý định tự tử hoặc dọa tự tử) gây ra tình trạng ngộ độc cấp. Hầu hết trường hợp có ít hoặc không có triệu chứng cụ thể trong 24 giờ đầu sau khi dùng quá liều. Các triệu chứng này có thể bao gồm cảm giác mệt mỏi, đau bụng hoặc buồn nôn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có triệu chứng ngộ độc rõ ràng, mà gia đình đưa vào nhập viện do phát hiện bệnh nhân đã uống rất nhiều thuốc Paracetamol. Nếu không được chẩn đoán đúng và cấp cứu kịp thời, ngộ độc Paracetamol cấp tính gây ra tình trạng tổn thương gan, hoại tử tế bào gan, nặng hơn bệnh nhân có thể hôn mê, tử vong.

Bên cạnh tình trạng ngộ độc cấp tính do sử dụng quá liều, Paracetamol còn gây ra viêm gan mãn tính nếu sử dụng liều cao trong một thời gian dài. Điều này rất đáng lo ngại bởi bệnh nhân thường không có dấu hiệu cảnh báo như ở ngộ độc cấp tính.

XỬ LÝ NGỘ ĐỘC VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga cho biết, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ ngộ độc Paracetamol cần gây nôn cho bệnh nhân khi còn tỉnh táo và lập tức đưa đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Để phòng ngừa ngộ độc, cũng như những tác hại do sử dụng Paracetamol gây ra, mọi người cần sử dụng Paracetamol đúng cách. Khi dùng Paracetamol giảm đau, hạ sốt cần sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Tùy theo lứa tuổi, cân nặng mà có liều dùng khác nhau, nhưng mỗi lần uống thuốc phải cách nhau từ 4- 6 giờ.

Nếu triệu chứng đau hoặc sốt vẫn kéo dài trên 2 ngày cần nhanh chóng đến bác sĩ thăm khám để tìm nguyên nhân và được chữa trị kịp thời. Trường hợp phải sử dụng Paracetamol thường xuyên để giảm đau cần phải tuân thủ chỉ định theo liều lượng và khuyến cáo của bác sĩ.

Bên cạnh đó, theo các dược sĩ, trên thị trường có nhiều tên khác nhau nhưng cùng chứa dược chất Paracetamol như: Panadol, Pamin, Decolsin, Deconal, Decolgen, Decolgen forte... Người bệnh có thể  bị ngộ độc do uống nhiều loại thuốc cùng chứa hoạt chất Paracetamol mà không biết. Ngoài ra, Paracetamol mặc dù là thuốc giảm đau hạ sốt được cho là khá an toàn nhưng thuốc cũng có những tác dụng phụ (có thể gây ra dị ứng thuốc đối với một số người) và độc tính của thuốc, đặc biệt là gây độc tính ở gan. Do đó, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào cũng nên tham khảo tư vấn của bác sĩ điều trị, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc. Những trường hợp phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người có bệnh về gan, thận, người cao tuổi càng cần phải thận trọng hơn khi sử dụng Paracetamol. Ngoài ra, cần lưu ý, khi sử dụng loại thuốc này tuyệt đối không uống rượu, vì sự kết hợp giữa rượu và Paracetamol gây tăng độc tính đối với gan lên rất nhiều lần.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
.
.
.