.

Thiếu dịch truyền đặc trị sốc sốt xuất huyết

Cập nhật: 20:59, 23/09/2019 (GMT+7)

Theo phác đồ điều trị Bộ Y tế mới ban hành, những bệnh nhi sốc sốt xuất huyết (SXH) nặng phải được truyền dịch cao phân tử (CPT) HES 200. Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đang thiếu dịch truyền này, trong khi bệnh SXH vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Bệnh viện Bà Rịa đang đề xuất bổ sung thêm dịch truyền CPT HES 200 để đáp ứng nhu cầu điều trị các trường hợp sốc SXH nặng. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi điều trị SXH tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa.
Bệnh viện Bà Rịa đang đề xuất bổ sung thêm dịch truyền CPT HES 200 để đáp ứng nhu cầu điều trị các trường hợp sốc SXH nặng. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi điều trị SXH tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa.

KHAN HIẾM DỊCH TRUYỀN CAO PHÂN TỬ HES 200

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Lê Lợi, trong khoảng 2 tháng qua, trung bình mỗi ngày có từ 20-30 trẻ nằm viện do SXH, số lượng tiếp nhận mới trung bình từ 5-10 trường hợp/ngày và trung bình mỗi tuần, khoa tiếp nhận điều trị khoảng 4-5 ca SXH nặng. Tuy nhiên, BV Lê Lợi đang không đủ dịch truyền CPT HES 200. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi lo ngại: Chúng tôi đã liên hệ với đơn vị duy nhất cung cấp dịch truyền CPT HES 200 là Công ty CP dược phẩm Việt Hà (TP. Hồ Chí Minh), nhưng công ty thông báo hết hàng. BV Lê Lợi đã phải “vay” của BV Bà Rịa 5 chai dịch CPT HES 200. BV cũng đã có văn bản đề nghị BV Nhi đồng 1 hỗ trợ loại dịch truyền này. 

Tương tự, tại Khoa Nhi, BV Bà Rịa, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 11 trường hợp nhập viện do SXH, trong đó trung bình mỗi tuần có 2 trường hợp nặng. Tuy nhiên, hiện tại BV chỉ có 32 chai HES 200; trong khi mỗi bệnh nhân sốc SXH nặng cần truyền từ 7-10 chai. Với số lượng thuốc hiện tại, khoa vẫn có thể duy trì được việc điều trị cho bệnh nhi sốc SXH. Tuy nhiên, do bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp, nên không thể lường trước được điều gì. Khoa đã đề xuất trang bị thêm loại dịch truyền này.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 9.783 trường hợp mắc SXH; trong đó 13 trường hợp nặng, 5 trường hợp tử vong. Tình hình dịch SXH dự báo trong những tháng cuối năm còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, nhu cầu sử dụng dịch CPT HES 200 để điều trị cho bệnh nhi sốc SXH là hết sức cần thiết.

CẦN SỚM GIẢI QUYẾT

Nguyên nhân thiếu dịch truyền nói trên là do yêu cầu thay đổi phác đồ điều trị sốc SXH của Bộ Y tế. Cụ thể, ngày 22/8, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3705/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue. Quyết định này đã quy định rõ 3 loại dung dịch cao phân tử trong điều trị sốc sốt xuất huyết (mạch nhanh, huyết áp tụt) là Dextran 40, Dextran 70 và Hydroxyetyl stach (HES 200). Trong đó, HES 200 là sản phẩm duy nhất theo đúng phác đồ của Bộ Y tế được dùng trong điều trị sốc SXH; 2 loại còn lại hiện không có mặt trên thị trường vì các công ty dược không nhập khẩu.

Nhiều năm qua, phác đồ điều trị cũ của Bộ Y tế (năm 2011) không quy định rõ loại dịch CPT nào trong điều trị chống sốc SXH. Do đó, hầu hết các BV trên địa bàn tỉnh đã sử dụng dung dịch Hydroxyetyl stach (HES 130). Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, trong thực tế điều trị HES 130 vẫn xảy ra tình trạng thoát mạch. Còn HES 200 khắc phục được điều này và có khả năng giữ lại dịch trong mạch máu tốt hơn.

Bác sĩ Lê Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Nhi, BV Lê Lợi cho biết, theo phác đồ mới của Bộ Y tế, các trường hợp sốc SXH nặng phải truyền CPT HES 200. Dịch truyền này chống sốc cho bệnh nhân khá hiệu quả. Hơn nữa, dịch truyền HES 200 bù dịch, đồng thời giữ lại dịch trong mạch máu tốt hơn so với CPT HES 130 sử dụng trước đây. Tuy nhiên, khoa đang thiếu dịch truyền HES 200 nên khi có bệnh nhân sốc SXH vẫn phải dùng HES 130.

Trước tình trạng thiếu dịch CPT HES 200, các BV đã báo cáo Sở Y tế và Sở cũng đã có báo cáo Bộ Y tế đề nghị xem xét, chỉ đạo việc nhập khẩu cung ứng thuốc, đáp ứng yêu cầu điều trị của các đơn vị. 

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), CPT HES 200 được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu sử dụng các thuốc này thấp nên nguồn cung rất hạn chế. Do đó, Cục Quản lý dược đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc; hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại Việt Nam để Cục xem xét, cấp phép nhập khẩu nhằm đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.